Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý du học sinh

Du học sinh phải khai thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử

Theo dự thảo Nghị định về quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, công dân sẽ phải đăng ký vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý do do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng.
Du học sinh phải khai thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử ảnh 1(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Chậm nhất 30 ngày sau khi đến nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu, du học sinh có trách nhiệm đăng ký thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật. Hệ thống này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và quản lý.

Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định Quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài  giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật vưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Cũng theo dự thảo nghị định, cơ quan, tổ chức cử công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật có trách nhiệm đôn đốc cá nhân thực hiện việc đăng ký thông tin cần thiết vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử.

Du học sinh tự túc ra nước ngoài học tập cập nhật thông tin tối thiểu 6 tháng một lần hoặc khi có sự thay đổi vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý du học sinh; thông báo đến cơ quan quản lý trực tiếp (đối với du học sinh tự túc có cơ quan công tác), tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (đối với du học sinh tự túc ra nước ngoài học tập thông qua tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học) về việc chuyển ngành, chuyển trường, chuyển nước, tạm dừng học hay lưu ban, học lại, gia hạn thời gian học tập ở nước ngoài.

Các du học sinh khi đi du học cần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của nước sở tại.

Du học sinh phải khai thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử ảnh 2Sinh viên Việt Nam nhận học bổng du học Úc. (Ảnh: PV)

Người du học bằng học bổng toàn phần hoặc một phần ngân sách nhà nước sẽ phải gửi báo cáo tiến độ học tập và kết quả học tập có xác nhận của cơ sở đào tạo nước ngoài qua đường bưu điện hoặc trực tiếp hoặc trực tuyến cho cơ quan cử đi học sau mỗi kỳ học, năm học. Báo cáo tiến độ học tập là cơ sở để cấp học bổng cho du học sinh học bổng trong thời gian học tập tiếp theo. Khi muốn chuyển đổi ngành học, du học sinh phải được sự cho phép của đơn vị cấp học bổng.

[Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc cùng nhau vượt qua dịch COVID-19]

Du học sinh học bổng không hoàn thành nghĩa vụ học tập hoặc không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp thì phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật.

Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, dự thảo Nghị định quy định các đơn vị này phải tư vấn thông tin trung thực, chính xác về các điều kiện liên quan đến tình trạng kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục nước ngoài; học phí và sinh hoạt phí dự kiến và các loại phí liên quan; điều kiện sinh sống, chính sách làm thêm giờ theo quy định của nước tiếp nhận du học sinh; những khó khăn, rủi ro và bất trắc có thể gặp phải trong quá trình du học.

Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học không được ủy quyền hoặc nhận ủy quyền của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học khác để triển khai kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho người có nhu cầu đi du học ở nước ngoài.    

Dự thảo Nghị định cũng quy định về vấn đề quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật như tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của công dân được cử đi nước ngoài; quyền và trách nhiệm của đơn vị cử công dân ra nước ngoài.

Dự thảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai trên cổng thông tin điện tử tại địa chỉ moet.gov.vn để lấy ý kiến đóng góp của công luận, nhằm hoàn thiện trước khi ban hành chính thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục