Thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm là khoảng thời gian diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Truyền thông Hong Kong đưa tin Hội nghị lần này có thể sẽ tập trung thảo luận những vấn đề xảy ra ở Hong Kong thời gian gần đây liên quan đến làn sóng biểu tình phản đối việc sửa đổi “Điều lệ trao đổi tội phạm bỏ trốn” (Luật dẫn độ).
Mùa Hè hàng năm, các vị nguyên lão và lãnh đạo đương nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều tập trung tại Bắc Đới Hà tiến hành các cuộc họp không chính thức để bàn luận các vấn đề đại sự quốc gia.
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay, ngoài hai vấn đề lớn là môi trường kinh tế trong nước và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, “cơn bão” lớn mới bùng phát ở Hong Kong do việc sửa đổi dự luật dẫn độ dự kiến sẽ được đưa vào trong "chương trình hội nghị thảo luận cấp cao” này.
Theo Nhật báo kinh tế của Hong Kong, từ xưa đến nay, những vấn đề mà Hội nghị Bắc Đới Hà thảo luận đều là các vấn đề lớn liên quan đến tình hình chính trị của đất nước. Vấn đề Hong Kong gần như không có trong chương trình. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình phản đối việc sửa đổi dự luật dẫn độ ở Hong Kong lần này không những diễn ra quyết liệt mà còn trong bối cảnh cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung.
Vụ việc không chỉ đơn thuần là vấn đề quản trị Hong Kong mà đã trở thành "điểm tựa" của cuộc đọ sức Mỹ-Trung cũng như liên quan đến vấn đề địa chính trị. Phương Tây đã sử dụng cuộc biểu tình ở Hong Kong như một bước đột phá để gây sức ép lên Trung Quốc và cũng kéo theo cả sức ép đối với cuộc bầu cử sắp tới tại Đài Loan.
Bài viết cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách quản trị Hong Kong trong tương lai ra sao có lẽ phải đợi đến sau Hội nghị Bắc Đới Hà mới có thể rõ ràng được.
Sau khi nổ ra vụ việc tấn công vào tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong hôm 1/7, trong các bản tin thời sự của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) liên tiếp đưa tin về tình hình Hong Kong với tổng thời lượng kéo dài đến 8 phút 14 giây. Tin cho biết, điều này đã phản ánh mức độ coi trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với vụ việc.
Trên thực tế, trong tháng 6 vừa qua, một loạt vụ việc do phản đối sửa đổi dự luật dẫn độ tại Hong Kong rõ ràng đã bắt đầu khiến các nhà lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc đau đầu. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Liệu có thể dựa vào đó làm điểm then chốt điều chỉnh chính sách của Hong Kong hay không?
Theo giới phân tích Hong Kong, kể từ khi những người biểu tình tấn công bạo lực vào Hội đồng lập pháp hôm 1/7 đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động bạo lực, lên án hành vi của những người biểu tình đã phá vỡ pháp trị Hong Kong, đồng thời ủng hộ các hành động sau đó của Chính quyền Hong Kong.
Ngoài ra, trang mạng hk01 đưa tin, do Bắc Kinh quan tâm cao độ đến tình hình Hong Kong nên ngày 30/6 đã cử Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính xuống phía thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, để làm việc với khoảng cách gần nhất và tốc độ nhanh nhất để nắm các tin tức Hong Kong có liên quan.
Nguồn tin nhận định trong thời gian biểu tình ngày 1/7 có nhà lãnh đạo xuống phía Nam đã cho thấy mức độ quan tâm của Bắc Kinh đối với tình hình Hong Kong trong thời gian gần đây.
Được biết, đây là chuyến đi miền Nam lần thứ hai của Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc này trong thời gian gần đây. Hôm 12/6, tại Hong Kong xảy ra một cuộc xung đột giữa cảnh sát và người dân. Sau đó, Hàn Chính đã gặp Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Thâm Quyến vào ngày 13/6. Đến ngày 15/6, Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố tạm dừng việc sửa đổi dự luật dẫn độ.
Chế độ công tác ở Bắc Đới Hà của Đảng Cộng sản Trung Quốc là cơ chế công tác của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa Hè hàng năm tại Bắc Đới Hà thuộc Tần Hoàng Đảo từ 1954 đến 1965 và từ 1984 đến 2002. Sau khi ông Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư năm 2003, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngừng chế độ này.
Trong những năm gần đây, tình hình đã cho thấy xu hướng giảm bớt ảnh hưởng chính trị của Hội nghị Bắc Đới Hà. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ đi nghỉ dưỡng ở Bắc Đới Hà vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm để tiến hành các cuộc hội đàm phi chính thức.
Sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là trong 2 năm gần đây, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra thông điệp rằng “Hội nghị Bắc Đới Hà” đã mất chức năng thảo luận các vấn đề chính trị truyền thống mà trở thành cuộc nghỉ dưỡng.
Mặc dù các vị nguyên lão và các nhà lãnh đạo vẫn tập trung ở bờ biển, cũng vẫn gặp gỡ và tiến hành một số cuộc họp thảo luận phương hướng nhưng sẽ không có cuộc họp mang ý nghĩa thực sự nào./.