Trang mạng jpost.com đưa tin dư luận có thể bối rối trước các tín hiệu và phát ngôn đầy mâu thuẫn trong thời gian gần đây của chính quyền Mỹ.
Ngày 5/5 vừa qua, Mỹ tuyên bố đang điều động một đội tàu hải quân tiến đến Vịnh Ba Tư.
Đã có những cuộc tranh luận sôi nổi về việc phải chăng đây chỉ là một thông điệp mang tính ngăn chặn, phòng thủ chung chung gửi tới Tehran sau những lời đe dọa của các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo này rằng Iran và các lực lượng ủy nhiệm sẽ hạ gục binh lính Mỹ trong khu vực, hay đây là màn mở đầu cho một cuộc tấn công phủ đầu?
Sau đó, Mỹ tiết lộ với giới truyền thông rằng các quan chức quân đội hàng đầu của nước này đang bàn luận về một kịch bản có thể xảy ra, trong đó Washington có thể cần phải gửi tới 120.000 binh lính đến Trung Đông.
[Iran yêu cầu Mỹ thay đổi thái độ nếu muốn đàm phán]
Điều này đã chuyển hướng đáng kể sang việc Mỹ sẵn sàng cho một cuộc tấn công phủ đầu - không chờ các hành động mới của Iran trước khi tấn công chương trình hạt nhân của Tehran và ngăn chặn các hoạt động gây hấn khác.
Tuy nhiên, suy luận này chỉ kéo dài một thời gian ngắn bởi sau đó, ngày 20/5, Tổng thống Trump cho biết ông không nhận ra có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Iran đang lên kế hoạch tấn công Mỹ, và rằng ông cũng không có kế hoạch bắt đầu một cuộc chiến.
Tiếp đó, ngày 21/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã đưa ra một tuyên bố kỳ lạ rằng “sứ mệnh đã hoàn thành,” khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo đã rút lại các kế hoạch tấn công Mỹ.
Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Tehran thông qua việc điều động tàu chiến và máy bay cũng như những tiết lộ với giới truyền thông, nhưng qua đó cũng muốn tuyên bố “chiến thắng” để có thể hạ thấp mọi kỳ vọng về việc Mỹ sẽ thực sự tấn công Iran.
Tuy nhiên, vào ngày 24/5, ông Shanahan cùng một số quan chức chính trị và quân sự khác của Mỹ lại loan báo rằng 1.500 binh lính Mỹ đang được triển khai tới Trung Đông, cũng như việc Mỹ đang bán vũ khí mới cho các đồng minh trong khu vực.
Họ nói rằng các mối đe dọa từ Iran đã gia tăng trở lại. Điều này dường như khiến cuộc xung đột quay trở lại.
Mặc dù con số 1.500 binh lính ít hơn rất nhiều so với con số 120.000 binh lính, song các nhà quan sát các cuộc xung đột quân sự đều hiểu rằng một khi “dấu giày in lên mặt đất” (ám chỉ binh lính đang chuẩn bị hành động), khả năng diễn ra một cuộc xung đột lớn hơn thường gia tăng.
Nói một cách đơn giản, có một rào cản tâm lý lớn đối với Mỹ về việc điều động binh lính. Một khi rào cản đó được phá bỏ, đó có vẻ là lúc Washington đã sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, có thể nhận ra rằng nhiều quan chức đã không thể giải thích tại sao 1.500 binh lính không thực sự là quân đội chiến đấu trên mặt đất và vẫn chỉ là một “nỗ lực bảo vệ chủ yếu.”
Họ nhấn mạnh rằng 1.500 binh lính này sẽ chỉ là những nhân viên vận hành các hệ thống phòng thủ tên lửa, các máy bay không người lái và các đơn vị giám sát trên không khác để thực hiện việc thu thập thông tin tình báo liên quan đến hoạt động triển khai tên lửa đạn đạo của Iran cũng như các hoạt động khác.
Mỹ vẫn đang nghiên cứu xem động thái tiếp theo của họ sẽ là gì. Một mặt, họ muốn tiếp tục chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran mà không để Iran tấn công quân sự ngược lại. 1.500 binh lính cộng với việc triển khai bổ sung các lực lượng không quân và hải quân có thể hỗ trợ cho các mục tiêu đó.
Mặt khác, ông Trump đã nhấn mạnh trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình rằng ông sẽ tránh triển khai quân sự trong một thời gian dài, điều có thể phí phạm nhân mạng và tiền của đáng kể, và cũng có thể khiến ông rơi vào một vũng lầy kiểu chiến tranh Iraq. Điều đó có nghĩa là nhân tố cần phải theo dõi sát sao vẫn là Iran.
Tối hậu thư 60 ngày mà Iran đưa ra nhằm giành lấy một sự đảo ngược những áp lực kinh tế chống lại họ đã đi được một nửa quãng đường. Mọi con mắt sẽ tập trung vào cách Iran có thể gây hấn như thế nào để biến những động lực hiện tại trở thành lợi ích của mình./.