Đủ điều kiện sử dụng cát biển đắp nền một số dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các bộ chuyên ngành đã ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, đủ điều kiện để sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho dự án cao tốc.
Khai thác cát tại lễ khai mỏ MS01 trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công cao tốc. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Để khắc phục tình trạng khan hiếm cát phục vụ các công trình trọng điểm, nhất là các dự án đường cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc dự án thành phần trên Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải cho biết các bộ chuyên ngành đã ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, đủ điều kiện để sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư Dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau) tiếp tục sử dụng cát biển để thi công trên tuyến chính của Dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau từ km 81 đến km 126+223 và đoạn tuyến nối từ km 6+522 đến km 16+510.

Về phía các địa phương, trên cơ sở văn bản hướng dẫn đủ điều kiện triển khai cát biển làm vật liệu đắp nền của Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Sóc Trăng cũng cấp mỏ để khai thác phục vụ thi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.

Bên cạnh một số mỏ cát trên sông Hậu, tỉnh đã cấp phép mỏ cát biển tại lô B1 và B1.2 nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cát san lấp phục vụ các dự án trọng điểm, cao tốc đường bộ trong khu vực.

Theo quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan, việc sử dụng vật liệu cho công trình thuộc thẩm quyền quyết định của các địa phương.

Thông báo số 2499/BGTVT-KHCN&MT ngày 11/3/2024 của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ việc khai thác cát biển theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn được quản lý để phục vụ cho việc san lấp trong xây dựng vẫn đạt hiệu quả như sử dụng cát nước ngọt, nhưng với giá thành cung cấp cho thị trường xây dựng thấp hơn giá thành cát nước ngọt.

Khai thác cát tại lễ khai mỏ MS01 trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công cao tốc. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, đủ điều kiện để khai thác, sử dụng.

Bộ Giao thông Vận tải đã thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang-Cà Mau, đã thành lập hội đồng cấp bộ, đánh giá và thống nhất sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ô tô tại khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; trong đó, đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực biển tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng 145 triệu m3 có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường cao tốc theo quy định của TCVN 9436:2012, điều kiện khai thác khả thi.

Bộ đã chuyển giao kết quả dự án cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã cấp mỏ cát biển phục vụ thi công một số dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và có văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản, ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông.

Các chuyên gia nhận định việc tiếp tục xem xét cho phép sử dụng rộng rãi đối với cát biển do các tổ chức, đơn vị cung cấp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định và gắn với trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, đơn vị cung cấp nếu gây ảnh hưởng môi trường góp phần giúp thị trường phục vụ cát san lấp được tiếp tục ổn định trong thời gian tới, tránh tình trạng khan hiếm cát, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình giao thông.

Thi công Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư xem xét, quyết định sử dụng nguồn cát nhập khẩu theo thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị cung cấp cát biển (nếu gây ảnh hưởng môi trường) cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục