Dư địa tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam-Peru còn rất lớn

Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam-Peru đạt 633,8 triệu USD, tăng 62% so với năm 2020, đưa Peru trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Dư địa tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam-Peru còn rất lớn ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải Kỳ họp lần 2 Ủy ban liên Chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật Việt Nam-Peru theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bất ổn như hiện nay, việc thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương cũng như trong các khuôn khổ đa phương là hết sức cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Trên cơ sở đó, Việt Nam coi Peru là đối tác quan trọng tại khu vực Mỹ Latinh và sẵn sàng cùng Peru thúc đẩy hợp tác để có các biện pháp phục hồi thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh như vậy tại Kỳ họp lần II Ủy ban liên Chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật Việt Nam-Peru vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội và Lima.

Tại kỳ họp, hai bên đã tiến hành rà soát các kết quả đạt được kể từ Kỳ họp lần I Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Peru được tổ chức vào tháng 10 năm 2017 tại Lima, đồng thời xác định các nội dung công việc cần triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hợp tác song phương nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế, thương mại và đầu tư.

[Peru coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á]

Cùng đó, hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương thời gian qua bất chấp những tác động của dịch COVID-19.

Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 633,8 triệu USD, tăng 62% so với năm 2020, đánh dấu lần tiên kim ngạch thương mại song phương vượt 500 triệu USD, đưa Peru trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

Đặc biệt, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam và Peru lần đầu tiên có quan hệ Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiệp định được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực tại Peru từ ngày 19 tháng 9 năm 2021 mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư song phương.

Với việc thị phần hàng hóa của hai nước tại thị trường của nhau còn ở mức khiêm tốn, có thể khẳng định dư địa cho tăng trưởng thương mại song phương là rất lớn thông qua việc tận dụng tốt những ưu đãi của CPTPP.

Trong lĩnh vực đầu tư, hai bên nhấn mạnh sự hiện diện của các dự án trong lĩnh vực khai khoáng và viễn thông của Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) và Tập Đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) tại Peru cũng như của hai doanh nghiệp Peru tại Việt Nam trong lĩnh vực đồ uống và du lịch.

Thời gian tới, Việt Nam đề nghị Peru tiếp tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam có dự án trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có dự định đầu tư sang Peru.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Peru Luis Enrique Chávez Basagoitia cho rằng quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã và đang ngày càng được củng cố nhờ việc hai nước cùng tham gia vào nhiều cơ chế hội nhập.

Cụ thể như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Đông Á- Mỹ Latinh (FEALAC) và gần đây nhất là việc Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Peru, trở thành công cụ quan trọng để tăng cường thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như đầu tư giữa hai nước.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, Chính phủ và doanh nghiệp các nước đang trở lại với guồng quay mới, tìm lại thị trường, kết nối chuỗi cung ứng.

Vì vậy, các cơ quan liên quan của hai bên cần tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác kinh doanh thông qua việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối giao thương, bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại kỳ họp, hai bên nhất trí ưu tiên triển khai các biện pháp thúc đẩy trao đổi thương mại thông qua việc tận dụng những ưu đãi của Hiệp định CPTPP, đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của mỗi nước, tạo thuận lợi cho tiến trình mở cửa thị trường, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của mỗi bên.

Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi tích cực về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, thủy sản, y tế, hợp tác trong khuôn khổ đa phương…

Đặc biệt, Kỳ họp lần II Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Peru được tổ chức vào thời điểm này thể hiện nỗ lực và quyết tâm của hai bên trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, khẳng định hai nước là đối tác quan trọng của nhau tại khu vực và trên thế giới.

Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Ngoại giao Peru Luis Enrique Chávez Basagoitia đã ký kết Biên bản Kỳ họp lần II Uỷ ban liên Chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật Việt Nam-Peru.

Thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Peru đã tăng đến 79,1% từ mức 353,8 triệu USD (năm 2016) lên mức 633,8 triệu USD (năm 2021).

Đáng lưu ý, xuất khẩu của Việt Nam sang Peru năm 2021 đạt 559,9 triệu USD, tăng 84,4%; nhập khẩu từ Peru vào Việt Nam đạt 73,8 triệu USD, giảm 15,6%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru bao gồm điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép các loại, clanhke và xi măng, chất dẻo nguyên liệu, giày dép các loại, hàng dệt may và thủy sản. Peru xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng bột cá, quặng antimon và tinh quặng, khoáng sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%

Đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.