Ngày 15/12, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị thông báo dân tộc học năm 2015 nhằm đánh giá thành tựu và hạn chế của nghiên cứu, xác định những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu dân tộc học giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030.
Phó giáo sư, tiến sỹ Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện Dân tộc học nhấn mạnh giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030, tộc người vẫn có giá trị rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng.
Quá trình phát triển và biến đổi của các tộc người chịu sự tác động sâu sắc của công nghiệp văn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, của khu vực và toàn cầu hóa. Bản sắc của các tộc người không dễ dàng mất đi, diễn ra trong quá trình cấu trúc lại dưới hình thức mới khi nhìn nhận xung đột sắc tộc trên thế giới đang diễn ra ngày càng gay gắt.
Giữ gìn bản sắc văn hóa và quan hệ tộc người với quốc gia-dân tộc là hai lĩnh vực có ý nghĩa then chốt trong vấn đề dân tộc ở Việt Nam.
Những nghiên cứu về tộc người từ năm 2012 đến nay cho thấy sự trở lại của dân tộc học, nhân học về tộc người ở Bắc Mỹ, châu Âu và đặc biệt là châu Á. Nghiên cứu về tộc người vẫn được quan tâm, cả ở Việt Nam và các nước khác. Việc đổi mới, chuyển đổi từ dân tộc học sang nhân học ở Việt Nam và nhiều nước châu Á có tính đặc thù, gắn chặt với vấn đề tộc người.
Nghiên cứu về tộc người ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua phản ánh một số khía cạnh cơ bản về vấn đề dân tộc như quan hệ dân tộc, chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, di dân, tộc người và môi trường, đặc trưng văn hóa, bảo tồn văn hóa và phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng thiên lệch trong nghiên cứu như thiên lệch về tộc người thể hiện ở chiều lựa chọn dân số đông hay thiểu số, địa bàn dễ đến hay khó khăn; vấn đề nghiên cứu đang chú trọng văn hóa truyền thống, sự đa dạng tộc người mà ít nghiên cứu về giao lưu, tác động giữa các nền văn hóa, tính thống nhất về văn hóa và tộc người, cũng như chưa chú trọng lý thuyết, chưa làm rõ vai trò của nhân học trong nghiên cứu về tộc người.
Hiện nay, chuyên gia nghiên cứu về tộc người còn ít, trong đó ít chuyên gia nghiên cứu sâu về tộc người, về vấn đề liên quan đến các tộc người.
Trên cơ sở nhìn nhận vấn đề còn tồn tại và những xu hướng mới, định hướng nghiên cứu cho giai đoạn tới được xác định là phải tập trung nghiên cứu cấu trúc tộc người trong bối cảnh mới, góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam trong điều kiện mới.
Những nội dung chủ yếu là bản sắc tộc người trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; mối quan hệ tộc người đa chiều và phức tạp, đặc biệt là quan hệ tộc người xuyên quốc gia; tác động của vấn đề tộc người đến phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng; chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước để quản lý mối quan hệ dân tộc và phát triển đối với tộc người.
Định hướng về giải pháp, tiến sỹ Vương Xuân Tình nhấn mạnh đến việc áp dụng, tiến tới xây dựng các lý thuyết nghiên cứu về tộc người phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và khu vực, chú trọng nhân học về tộc người, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và tổ chức làm công tác dân tộc; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo về tộc người./.