Dự báo về những biến động của giá xăng dầu từ nay đến cuối năm?

Theo Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, giá dầu đang trên đà hồi phục do lo ngại nguồn cung sẽ thu hẹp lại tại các nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, giá dầu sẽ khó tăng mạnh.
Một điểm bán xăng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ người dân. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giá dầu đang trên đà hồi phục do lo ngại nguồn cung sẽ thu hẹp. Điều này đang đặt ra nhiều dự báo về những biến động của giá xăng dầu, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm các tháng cuối năm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) có buổi trao đổi với phóng viên về những nhận định kịch bản giá cả thời gian tới.

- Thưa ông, với tình hình giá dầu diễn biến như hiện nay, ông nhận định thế nào về giá năng lượng trên thế giới trong nửa cuối năm 2023?

Phó Tổng Giám đốc Dương Đức Quang: Thời gian gần đây, giá dầu đang trên đà hồi phục do lo ngại nguồn cung sẽ thu hẹp lại tại các nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, theo tôi, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, cụ thể là khó vượt vùng 90 USD hay 100 USD/thùng, bởi triển vọng kinh tế và tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn vẫn đang là biến số đối với thị trường.

Mọi sự chú ý vẫn đang tập trung vào quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương, cũng như tác động của lãi suất tới nền kinh tế sau đó.

[Đồng loạt đi lên, xăng RON95-III vượt ngưỡng 22.700 đồng mỗi lít]

Trong kịch bản nguồn cung và nhu cầu cùng giảm, cán cân cung cầu sẽ trở nên cân bằng hơn và giá dầu nhiều khả năng sẽ diễn biến tương đối ổn định trong nửa cuối năm 2023, có thể chỉ ở trong khoảng giá trừ 65-85 USD/thùng.

- Vậy theo ông, diễn biến trên có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam và ngành nghề/lĩnh vực nào bị tác động nhiều nhất bởi giá năng lượng?

Phó Tổng Giám đốc Dương Đức Quang: Giá xăng dầu chiếm vai trò quan trọng trong cấu thành chi phí vận tải, cụ thể có thể chiếm từ 35-40% giá thành vận tải đường bộ, nên biến động của giá dầu sẽ ảnh hưởng tới giá cả của nhiều loại hàng hóa khác.

Với kịch bản giá dầu ổn định, có thể kỳ vọng giá hàng hóa sẽ được bình ổn, qua đó giữ lạm phát ở mức mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Khi giá nguyên liệu đầu vào không biến động, các hoạt động sản xuất liên quan cũng sẽ ổn định và hiệu quả hơn và tất cả các thành phần trong chuỗi, từ nhà máy, thương nhân phân phối cho đến người tiêu dùng đều sẽ được hưởng lợi.

- Thưa ông, các mặt hàng nông sản, đặc biệt với gạo, là một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế Việt Nam. Vậy bên cạnh giá dầu, ông có dự báo ra sao về giá gạo trong 6 tháng cuối năm?

Phó Tổng Giám đốc Dương Đức Quang: Gần đây, giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 11 năm, giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng theo, cụ thể tăng khoảng 15% trong vòng 4 tháng qua. Hiện nay, giá bán gạo của Việt Nam đang cao hơn gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn khá lớn.

Một điểm bán xăng của PVOil. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, tôi cho rằng giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong 6 tháng cuối năm. Trong kịch bản xấu nhất, khi El Nino tiếp tục gây ra thiệt hại đối với vụ lúa thứ 2 trong năm tại các quốc gia châu Á, giá cao hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15-20%.

- Khó khăn về thị trường trong những tháng qua khiến các lĩnh vực xuất khẩu chính như thủy sản, dệt may, da giày... đều sụt giảm mạnh. Vậy những mặt hàng này, triển vọng về đơn hàng cuối năm nay ra sao và theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tăng tính cạnh tranh?

Phó Tổng Giám đốc Dương Đức Quang: Nhìn chung, các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi triển vọng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm nay và đầu năm 2024. Trong khi đây đang là biến số khó đoán, bởi nó sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn.

Trong bối cảnh này, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, đặc biệt quan trọng là cần thực hiện bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào, đầu ra; bởi đây là yếu tố then chốt quyết định đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các sản phẩm mới, tạo ra khác biệt về sản phẩm và hình thức cung ứng, cũng là các biện pháp cần được thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục