Dự báo tới năm 2030 có hơn 1,2 tỷ tấn hàng hóa vận chuyển qua cảng biển

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư hạ tầng hàng hải 72.800 tỷ đồng; vốn đầu tư cho bến cảng 278.700 tỷ đồng.

Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo quy hoạch Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo tới năm 2030 vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, sản lượng hàng hóa qua các khu vực cảng biển sẽ đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ tấn hàng hóa, với sản lượng hàng hóa container tính theo Teu dự kiến khoảng 46,3-54,34 triệu Teu.

Với dự báo hàng hóa thông qua từng nhóm cảng biển, nhóm cảng biển số 1 và số 4 dự kiến sẽ có sản lượng hàng hóa thông qua tới năm 2030 cao nhất, khoảng 321 -383 triệu tấn (nhóm cảng biển số 1) và từ 499-564 triệu tấn (nhóm cảng biển số 4).

Lượng hàng trong quy hoạch chưa bao gồm hàng trung chuyển container quốc tế. Lượng hàng trung chuyển container quốc tế được xác định cụ thể trong bước chuẩn bị đầu tư dự án, tùy thuộc vào năng lực và cam kết của Nhà đầu tư về lượng hàng trung chuyển quốc tế mà Nhà đầu tư mang lại khi tham gia dự án.

Về dự báo lượng hành khách thông qua cảng biển tới năm 2030 đạt từ 17 triệu đến gần 19 triệu lượt khách, bao gồm hành khách quốc tế và nội địa.

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 33.800ha, bao gồm các khu vực phát triển cảng biển, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng; trong đó, cảng biển 17.300ha. Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000ha.

Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng, chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.

Theo Bộ Giao thông Vận tải , việc lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển từ đó có cơ sở cụ thể, chi tiết triển khai đầu tư khai thác hệ thống cảng biển đồng bộ với quy mô, lộ trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục