Dự báo tình hình thế giới 2022: Còn nhiều nghịch lý từ COVID-19

Việc có được một sự cân bằng, thích ứng cuộc sống bình thường mới là không đơn giản, trong bối cảnh dịch bệnh đang bước vào một giai đoạn khá nhiều nghịch lý.
Dự báo tình hình thế giới 2022: Còn nhiều nghịch lý từ COVID-19 ảnh 1Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 29/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng edition.cnn.com, mối quan tâm của công chúng Mỹ hiện đang xoay quanh việc rủi ro như thế nào là có thể chấp nhận được để đưa đất nước trở lại lộ trình bình thường trong bối cảnh biến thể Omicron mới tiếp tục hoành hành ngoài tầm kiểm soát.

Nước Mỹ đang chìm trong những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng, song sau 2 năm gần như kiệt sức, động lực giúp hàng triệu người cố gắng thích ứng với một cuộc sống “bình thường mới” chưa bao giờ mạnh mẽ hơn.

Việc có được một sự cân bằng là không đơn giản, trong bối cảnh dịch bệnh đang bước vào một giai đoạn khá nhiều nghịch lý.

Nhiều dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng mùa Đông ngày càng tồi tệ đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, bất chấp những tia hy vọng rằng biến thể Omicron thực tế không quá đáng sợ.

Điều đáng ngạc nhiên là số ca lây nhiễm tăng vọt khiến các bệnh viện lại quá tải, trong khi nhiều người lần đầu mắc COVID-19 lại chỉ ghi nhận những triệu chứng nhẹ như cảm lạnh thông thường.

Lần đầu tiên trong gần 4 tháng qua, hơn 100.000 người đã phải nhập viện vì mắc COVID-19. Tình trạng này làm dấy lên các cuộc tranh luận tại không chỉ Washington, DC mà còn ở các văn phòng thống đốc bang, trong các tập đoàn, trường học và trong các gia đình từ bờ Đông tới bờ Tây.

Cách tốt nhất để được bảo vệ trước các nguy cơ chuyển biến nặng, buộc phải nhập viện hoặc tử vong vẫn là tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường dù biến thể Omicron ít độc tính hơn hay không.

Nhiều người trong số 820.000 người Mỹ đã chết vì COVID-19 có thể đã có một cuộc sống khác nếu một số thành viên Đảng Cộng hòa, kể cả cựu Tổng thống Donald Trump, không coi sức khỏe cộng đồng là “nạn nhân” của những tham vọng chính trị để phớt lờ khuyến cáo khoa học và thúc đẩy các biện pháp mở cửa kinh tế sớm vào năm 2020.

[Biến thể Omicron làm gia tăng lo ngại về nguy cơ tái nhiễm COVID-19]

Một trong những điều mâu thuẫn nhất của Omicron là dù nhiều người mắc có thể không bị nặng, song khả năng lây nhiễm tăng đồng nghĩa với việc ngay cả một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân mắc bệnh nặng trong làn sóng lây nhiễm này cũng có thể áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe và khiến lực lượng y tế thêm mệt mỏi. Hệ thống quá tải cũng có thể làm giảm chất lượng chăm sóc y tế đối với những người mắc các bệnh khác, đặc biệt là các bệnh mãn tính như đau tim hoặc đột quỵ.

Đại dịch đang đặt ra những câu hỏi mà người ta hầu như không thể trả lời một cách thỏa đáng - đặc biệt là những gì liên quan tới các rạn nứt chính trị. Thượng nghị sỹ Marco Rubio đã hoan nghênh cảnh tượng chật kín người hâm mộ tại các sân vận động hồi cuối tuần và viết trên Twitter về “sự cuồng loạn vô lý" vì biến thể Omicron.

Trong khi đó, cố vấn y tế của Tổng thống Biden, Tiến sĩ Anthony Fauci, người đã lưu ý trên chương trình "State of the Union" của CNN ngày 2/1 rằng trung bình 1.200 ca tử vong hàng ngày do COVID-19 "không phải là điều bình thường.”

Dù vậy, chính Fauci gần đây cũng thừa nhận rằng nước Mỹ đang trong quá trình điều chỉnh khả năng thích ứng và chịu rủi ro, đồng thời khẳng định trong bối cảnh đại dịch, không có bất kỳ hoạt động nào là hoàn toàn an toàn.

Lấy ví dụ, các cơ quan y tế công cộng đã bắt đầu điều chỉnh cách tiếp cận, vì đặc tính lây nhiễm của Omicron đe dọa tác động trên diện rộng tới lực lượng lao động, gây căng thẳng cho các bệnh viện, lực lượng an ninh và các dịch vụ khẩn cấp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ hồi tuần trước đã ra hướng dẫn mới, trong đó giảm một nửa thời gian cách ly khuyến nghị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính và không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ xuống còn 5 ngày, miễn là họ tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang trong 5 ngày tiếp theo.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nhiều tranh cãi và bối rối. Bác sỹ Fauci cho biết giới chức y tế sẽ đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn, có thể là sẽ bao gồm cả quy định mới về xét nghiệm.

Thực tế chưa ai có thể khẳng định biến thể Omicron sẽ chiếm vị thế chủ đạo trong bao nhiêu lâu hay sẽ lại sớm được một biến thể mới khác thay thế với nhiều hỗn loạn hơn. Trước những lo ngại này, liều tiêm tăng cường càng trở thành một chủ đề nóng hơn bao giờ hết.

Israel đã bắt đầu triển khai liều tiêm thứ 4 cho tất cả nhân viên y tế và những người trên 60 tuổi từ ngày 3/1/2022. Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cũng phát biểu trên đài truyền hình ZDF rằng người Đức "sẽ cần liều tiêm thứ tư" để chống lại COVID-19.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 4/1với phóng viên tờ Telegraph, Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Vaccine Oxford, Chủ tịch Ủy ban Miễn dịch Vaccine của Anh, và là người tham gia điều chế vaccine Oxford-AstraZeneca cho rằng việc tiêm các mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường nhiều lần trong một năm cho người dân là bất khả thi.

Ông nói: “Chúng ta không thể tiêm chủng cho người dân trên toàn cầu cứ 4-6 tháng/lần. Điều này là không thể thực hiện được và không thể diễn ra đều đặn.”

Pollard cũng nhấn mạnh “sự cần thiết của việc chú trọng nhóm người dễ tổn thương” thay vì đẩy nhanh việc cấp phép tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên. Ông khẳng định cần thêm nhiều số liệu để khẳng định việc “có nên hay không, và nếu có thì khi nào và đảm bảo thời gian ra sao cho những đối tượng dễ bị tổn thương cần liều tiêm tăng cường.”

Theo Giáo sư Pollard, giới chức y tế cần thêm bằng chứng trước khi tiến hành các mũi tiêm thứ tư cho người dân tại Anh, quốc gia đang tiêm mũi 3 cho người khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên và những người trên 16 tuổi có nguy cơ.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với Sky News, Pollard nhắc đến vấn đề bất bình đẳng vaccine trên toàn thế giới. Ông nói: “Từ góc độ toàn cầu, không hề hợp lý và rất bất khả thi cho việc tiêm liều thứ 4 cho người dân trên toàn thế giới sau mỗi 6 tháng… Cần nhớ rằng chỉ mới chưa đầy 10% số người ở các nước có thu nhập thấp đã được tiêm mũi đầu tiên…, vì vậy ý tưởng về liều tiêm thứ 4 phổ biến trên toàn cầu là không hợp lý.”

Tuy nhiên, Pollard nhấn mạnh một lưu ý có phần lạc quan trong cuộc phỏng vấn của mình rằng “điều tồi tệ nhất đã qua” và thế giới “chỉ cần vượt qua mùa Đông.” Theo ông, “ở những thời điểm nào đó, xã hội cần mở cửa… Và khi mở cửa, chắc chắn sẽ có những giai đoạn lây nhiễm mạnh, và đó là lý do vì sao mùa Đông không phải là thời điểm hợp lý nhất (cho việc mở cửa trở lại).”

Bình luận về mũi tiêm ngừa COVID-19 thứ tư, bác sỹ Fauci cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể bình luận điều gì cụ thể. Ông nói: “Chúng tôi sẽ theo dõi mức độ và thời gian bảo vệ của vaccine mRNA sau liều tiêm thứ ba… Nếu mức độ bảo vệ lớn hơn so với nhóm những người tiêm 2 liều thông thường thì chúng ta có thể yên ổn trong một thời gian đáng kể mà không cần liều thứ tư… Vì vậy, tôi nghĩ rằng còn quá sớm - ít nhất là ở Mỹ - để nói về liều thứ tư”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục