Với việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi ấn tượng trong 2 tháng liên tiếp gần đây sau khi chạm đáy vào ngày 24/3 vừa qua.
Dù thị trường vẫn trên đà hồi phục, tuy nhiên, động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong tháng Sáu này được dự báo sẽ yếu hơn so với tháng trước đó.
Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng Sáu này của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa phát hành, xu hướng tham gia thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư trong nước có thể tiếp tục trong tháng Sáu này.
Trong tháng Năm vừa qua, thị trường đã tăng mạnh hơn so với kỳ vọng, nhờ sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước cũng như áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài giảm. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước và tổ chức nước ngoài đạt lần lượt là 77% và 15% trong tháng Năm vừa qua so với mức trung bình 72% và 17%.
Bên cạnh đó, lực cầu từ khối ngoại sẽ chủ yếu đến từ các ETF (quỹ hoán đổi danh mục) mới khi mà các ETF này giải quyết phần nào bài toán giới hạn sỡ hữu nước ngoài hiện nay.
Riêng ETF FUEVFVND (mô phỏng bộ chỉ số đầu tư VNDiamond của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HOSE) đã cho thấy sức hút sau khi niêm yết.
Chỉ sau 3 tuần niêm yết, quy mô tài sản của quỹ này đã tăng gấp 7 lần so với thời điểm IPO, lên mức 725 tỷ đồng. Xu hướng dòng tiền vào FUEVFVND được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng Sáu này, điều này sẽ tăng cầu ở các cổ phiếu thành phần.
Tuy vậy, các chuyên gia của VDSC cũng cho rằng, dù không có yếu tố có thể gây ảnh hưởng nặng nề cho thị trường vào thời điểm này, song động lực tăng trưởng vào tháng Sáu này sẽ yếu hơn so với tháng trước đó.
Bởi lẽ, sau khi diễn biến tốt hơn so với các thị trường chứng khoán trong khu vực và trên thế giới, VN-Index đã gần như bắt kịp nhịp hồi của thị trường thế giới trong tháng Năm vừa qua.
[Thanh khoản trên thị trường phái sinh giảm nhẹ trong tháng Năm]
Hầu hết các cổ phiếu trụ đã hồi phục tốt hơn so với phần còn lại của thị trường, lực kéo chỉ số trong tháng Sáu này của các cổ phiếu trụ cũng sẽ giảm đi đáng kể so với 2 tháng trước đó.
Trong khi đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bắt đầu mua bán có chọn lọc hơn khi mà khối này bắt đầu luân phiên mua bán ròng trong tháng Năm vừa qua, thay vì mua ròng hoàn toàn trong các tháng trước đó.
Ngoài ra, với việc thị trường đã hồi phục 30% kể từ đáy tháng Ba năm nay và định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn, còn nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu tâm. Các rủi ro này chủ yếu là ngoại tác, vốn không hoặc chưa tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế Việt Nam, nhưng có thể chi phối tâm lý của nhà đầu tư.
“Sự tích cực của dòng tiền có thể giúp VN-Index chi phục mốc cao hơn trong tháng Sáu này, tuy nhiên, không gian tăng trưởng không nhiều. Việc mua mới ở thời điểm hiện tại cần được cân nhắc cẩn trọng.
Quý 2 sẽ là thời điểm ghi nhận kết quả kinh doanh tệ nhất đối với nhiều lĩnh vực cũng như tăng trưởng GDP. Cơ hội để mua với mức giá hấp dẫn có thể phát sinh tại thời điểm đó,” chuyên gia của VDSC cho hay.
Dẫn chứng số liệu thống kê từ 35 công ty (chiếm 58% tổng vốn hóa thị trường trên HOSE), các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho biết, các công ty này đã được giao dịch ở mức 14,2 lần thu nhập năm 2020, cao hơn PE (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) cuối năm 2019 là 13,3 lần.
Việc định giá hiện nay có vẻ hợp lý, thậm chí đắt đỏ, vì triển vọng kinh tế ảm đạm do đại dịch COVID-19 gây ra. Thêm vào đó, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index hiện đang quay trở lại mức 900 điểm. Đây là mức hỗ trợ mạnh khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng Hai năm nay, cảnh báo áp lực bán mạnh tại mức giá này.
Theo KIS Việt Nam, trong năm 2009, một số tiền từ gói kích thích của Chính phủ đã chảy vào thị trường chứng khoán, giúp VN-Index tăng gấp ba lần, từ mức 235 điểm lên 624 điểm chỉ trong 9 tháng.
Thời điểm hiện tại, mặc dù thanh khoản có thể tiếp tục hỗ trợ hoặc thậm chí đẩy thị trường lên cao hơn trong những tuần tới, song VN-Index khó có thể có bước nhảy vọt tương tự do quy mô thị trường đã lớn hơn nhiều (2.430.000 tỷ đồng so với 135.000 tỷ đồng).
Như vậy, cả định giá cơ bản và phân tích kỹ thuật đang chỉ rõ cần phải thận trọng trong thời điểm này. Việc đầu tư trong tháng Sáu này rủi ro hơn nhiều so với từ 1-2 tháng trước.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi đầu tư mới trong tháng Sáu này./.