Dự báo thế giới năm 2022: Sáu mối lo lớn tác động toàn cầu

Dịch COVID-19, kinh tế thế giới, quan hệ Nga-phương Tây, động cơ Đức-Pháp với EU, đàm phán hạt nhân Iran, rủi ro do Mỹ gây ra là 6 mối lo của thế giới trong năm 2022.
Dự báo thế giới năm 2022: Sáu mối lo lớn tác động toàn cầu ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 29/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, thế giới đã bước sang năm 2022, song những “dư vị” của năm 2021 vẫn còn.

Năm 2021, thế giới đã trải qua nhiều sự kiện quan trọng: Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu; sự phục hồi kinh tế đối mặt với nhiều thách thức; Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng; nước Đức tạm biệt "kỷ nguyên Merkel;" vấn đề hạt nhân Iran tiếp tục bị trì hoãn; Mỹ rút khỏi Afghanistan trong hỗn loạn...

Những vấn đề này sẽ tiếp tục tác động đến thế giới trong năm 2022, khiến mọi người không khỏi lo lắng bởi tính bấp bênh của chúng.

Mối lo thứ nhất: Đại dịch COVID-19 có kết thúc?

Năm 2021, các chủng mới đột biến của virus SARS-CoV-2 như Delta và Omicron lần lượt “gây sóng gió” gây ra những thách thức nghiêm trọng cho cuộc chiến chống dịch ở nhiều quốc gia.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc bệnh và tử vong trên toàn thế giới đã lần lượt vượt mức 280 triệu ca và 5,41 triệu ca. Chủng Omicron đã lan rộng ra 110 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công trong cuộc chiến chống dịch. Nhóm phân phối vaccine độc lập mang tên "Chương trình triển khai vaccine COVID-19" gần đây đã kêu gọi cần đạt tỷ lệ bao phủ vaccine 70% ở tất cả các quốc gia trên thế giới vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, “khoảng cách miễn dịch” hiện là trở ngại lớn nhất trong việc đẩy lùi đại dịch.

Chỉ 5% dân số ở các nước có thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tình trạng dự trữ quá nhiều vaccine ở các nước phát triển như Mỹ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với việc phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu.

Trong năm 2022, liệu cộng đồng quốc tế có thể đoàn kết và hợp tác trong cuộc chiến chống COVID-19? Liệu Mỹ và các quốc gia khác có thể gánh vác trách nhiệm của mình? Đây sẽ là những vấn đề quyết định xem nhân loại có thể sớm vượt qua được đại dịch hay không.

Mối lo thứ 2: Kinh tế thế giới có trở lại bình thường?

Năm 2021, sự phục hồi kinh tế toàn cầu được đẩy mạnh trong bối cảnh dịch bệnh. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Vương quốc Anh dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD vào năm 2022, sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó.

Tuy nhiên, những thách thức như dịch bệnh trở lại, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và sự phân hóa phục hồi... được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong năm 2022. Tác động lan tỏa của việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác có thể mang lại nhiều rủi ro hơn cho nền kinh tế thế giới.

[DỰ BÁO THẾ GIỚI 2022: Khởi đầu cho đoạn kết của đại dịch]

Do lạm phát cao, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định đẩy nhanh việc giảm mua tài sản và dự kiến sẽ kết thúc việc mua trái phiếu vào tháng 3/2022.

Trong lịch sử, việc Fed đi vào chu kỳ thắt chặt thường có tác động đáng kể đến dòng vốn xuyên biên giới toàn cầu, giá tài sản và sự ổn định tỷ giá hối đoái... Một số thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có thể phải đối mặt với những rủi ro như dòng vốn chảy ra ngoài và đồng tiền mất giá, và sự phục hồi kinh tế có thể bị kéo xuống.

Mối lo thứ ba: Quan hệ Nga-phương Tây có tiếp tục xấu đi?

Năm 2021, Nga và các nước phương Tây đối đầu gay gắt về vấn đề Ukraine, quan hệ hai bên bước vào giai đoạn "đóng băng." Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tuyên bố rằng Nga bị ép đến mức "không còn đường lùi" trong các vấn đề an ninh.

Mỹ gần đây đã thổi phồng “nguy cơ chiến tranh” Nga-Ukraine, vừa tiếp tục đàn áp Nga, vừa tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu. Theo đó, mối quan hệ giữa Nga và châu Âu trở nên phức tạp hơn.

Nếu Liên minh châu Âu (EU) hợp tác với Mỹ áp đặt chế tài đối với hệ thống tài chính của Nga hoặc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức, động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và sự ổn định tài chính của EU.

Những hành động thường xuyên gần đây của NATO ở Biển Baltic và Biển Đen đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ từ Nga. Nếu NATO tiếp tục đụng vào "lằn ranh đỏ" của Nga, điều đó có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Mặc dù Nga và Mỹ có kế hoạch tổ chức đối thoại an ninh trong tháng 1/2022, nhưng do sự thiếu tin cậy lẫn nhau trong thời gian dài giữa hai bên và mâu thuẫn mang tính cấu trúc ở cấp độ địa chính trị, vẫn phải chờ xem cuộc đối thoại này có thể ngăn chặn đà xấu đi của các mối quan hệ hay không.

Mối lo thứ tư: "Động cơ Đức-Pháp" có thể thúc đẩy EU tiến lên?

Cuối năm 2021, chính phủ mới của Đức lên năm quyền. Năm 2022, Pháp sẽ bắt đầu một cuộc tổng tuyển cử. Đức và Pháp, được coi là "động cơ kép" của EU, đang trải qua một thời kỳ quá độ. Do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, con đường phục hồi kinh tế ở châu Âu rất quanh co, và các tiến trình như chiến lược carbon thấp và kinh tế kỹ thuật số cũng bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Đồng thời, các tranh chấp giữa Anh và Pháp về ngư nghiệp và người tị nạn, mâu thuẫn giữa các nước "châu Âu cũ và mới" hậu Brexit sẽ tiếp tục "tăng nhiệt." Trước những nguy cơ và thách thức đó, việc “động cơ Đức-Pháp” có thể sớm được đưa vào vận hành hay không sẽ ảnh hưởng đến phương hướng và nhịp độ tiến triển của EU.

Sau khi trải qua một loạt sự cố như Mỹ "nghe lén" các đồng minh châu Âu, vội vàng rút quân khỏi Afghanistan và "giật" đơn hàng xuất khẩu tàu ngầm của Pháp, ngày càng nhiều người châu Âu cho rằng Mỹ không đáng tin cậy, và mong muốn tự chủ chiến lược của EU ngày càng lớn.

Tuy nhiên, xét từ khía cạnh khác biệt nội tại của EU và sự phụ thuộc của khối này vào an ninh của Mỹ, con đường đi đến quyền tự chủ chiến lược của khối này sẽ đầy bất trắc.

Mối lo thứ năm: Các cuộc đàm phán hạt nhân Iran có bước đột phá?

Từ tháng 4/2021, các bên liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran đã hoàn thành 7 vòng đàm phán, nhưng vẫn không đạt được kết quả thực chất nào. Năm 2022, cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ tiếp tục bị trì hoãn hay sẽ có bước đột phá?

Dự báo thế giới năm 2022: Sáu mối lo lớn tác động toàn cầu ảnh 2Các đại biểu tham dự vòng đàm phán thứ 6 về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại thủ đô Vienna, Áo ngày 12/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiện tại, khác biệt giữa Iran và Mỹ vẫn rất lớn. Iran kiên quyết yêu cầu Mỹ và các nước EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời nhấn mạnh rằng Iran sẽ không cúi đầu trước áp lực; Mỹ yêu cầu Iran tiếp tục thực hiện các quy định của thỏa thuận hạt nhân Iran, hạn chế hoặc "đóng băng" các hoạt động hạt nhân liên quan, đe dọa sử dụng "các lựa chọn khác," kể cả các phương tiện quân sự. Nếu Mỹ không thay đổi lập trường cứng rắn, triển vọng cho các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ khó lạc quan.

Mối lo thứ sáu: Mỹ sẽ mang đến những rủi ro gì cho thế giới?

Năm 2021, bạo động tại Đồi Capitol đã gây chấn động thế giới. Việc Mỹ rút quân vội vàng khỏi Afghanistan hồi giữa năm đã để lại một mớ hỗn độn lớn.

Cái gọi là "Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ" đã được dàn dựng vào cuối năm. "Chủ nghĩa dân tộc vaccine" được sử dụng để cản trở sự hợp tác chống dịch quốc tế... Cộng đồng quốc tế ngày càng nghi ngờ rằng Mỹ là nguồn gốc gây hỗn loạn lớn nhất trên thế giới.

Khi Mỹ bước vào chu kỳ bầu cử giữa kỳ vào năm 2022, các cuộc đấu đá của các đảng phái trong nước chắc chắn sẽ gia tăng, xung đột chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại cũng vậy. Để duy trì bá quyền, Mỹ tiếp tục thực hiện "ngoại giao vòng tròn nhỏ" thường xuyên khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia và phóng đại các mối đe dọa đến từ các quốc gia khác mà không có bằng chứng, ám ảnh với việc sử dụng can thiệp, trừng phạt và thậm chí là vũ lực...

Những điều này sẽ mang lại mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình, phát triển, hợp tác và thống nhất của thế giới. Eurasian Group, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị của Mỹ, từng đưa nước Mỹ vào danh sách "10 rủi ro hàng đầu thế giới năm 2021." Năm 2022, những rủi ro do Mỹ gây ra nhiều khả năng sẽ tăng lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục