Trang theconversation.com ngày 4/1 đăng bài viết của Giáo sư James Laurenceson- Giám đốc Học viện Quan hệ Australia-Trung (ACRI), Đại học Công nghệ Sydney (Australia)- với nhận định rằng cạnh tranh quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có từ nhiều năm qua, nhưng đại dịch COVID-19 đã giúp Trung Quốc kết thúc năm 2020 ở vị thế mạnh hơn đáng kể so với Mỹ.
Trong khi đó, quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi và có rất ít lý do để lạc quan rằng sẽ có sự thay đổi đột ngột, tích cực trong năm 2021. Dưới đây là nội dung bài viết:
Cạnh tranh thay vì hợp tác đã trở thành khuôn khổ chủ đạo mà qua đó cả Bắc Kinh và Washington đều xem mối quan hệ song phương ngày càng trở nên nhạy cảm với bằng chứng rằng các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang ủng hộ đối thủ của họ.
Động lực cơ bản dẫn đến sự thù địch của Trung Quốc đối với Australia vào năm 2020 bắt nguồn từ đánh giá rằng các nhà lãnh đạo Australia đã từ bỏ các cam kết trước đó là không bao giờ hướng liên minh an ninh của nước này với Mỹ chống lại Trung Quốc.
Thủ tướng Scott Morrison đã kêu gọi Australia và các cường quốc bậc trung và nhỏ khác có "không gian lớn hơn" trong cách điều hướng chính sách đối với Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.
Nhưng Giáo sư James Curran của Đại học Sydney đã cảnh báo chống lại những kỳ vọng không thực tế: “Các cường quốc đơn giản là không dành không gian chiến lược cho các nước khác.”
Sức mạnh của Trung Quốc đang đi lên
Cuối năm 2019, GDP của Trung Quốc đứng ở mức 14.300 tỷ USD, tương đương 2/3 GDP của Mỹ là 21.300 tỷ USD.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng có lợi cho Trung Quốc. Dự báo tăng trưởng mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng từ 2/3 lên 3/4 so với của Mỹ vào cuối năm 2021.
Nếu tính đến chênh lệch chi phí và đo lường hai nền kinh tế theo sức mua tương ứng, GDP của Trung Quốc thực sự đã lớn hơn 10% so với của Mỹ.
Theo “Chỉ số Quyền lực châu Á” của Viện Lowy- chuyên theo dõi quyền lực trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoại giao và văn hóa, Mỹ vẫn dẫn đầu nhưng khoảng cách so với Trung Quốc đã bị giảm một nửa kể từ năm 2018.
Điều này chủ yếu là do bản thân nước Mỹ thụt lùi chứ không phải Trung Quốc mạnh lên. Và ngay cả trước đại dịch COVID-19, một cuộc khảo sát với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, truyền thông và xã hội dân sự ở Đông Nam Á cho thấy Bắc Kinh được coi là có ảnh hưởng lớn hơn Washington trong khu vực, mặc dù sức mạnh ngày càng tăng này được nhìn nhận với sự e ngại.
Gần 1/2 số người tham gia khảo sát cho biết họ không mấy tin tưởng vào Mỹ với tư cách là đối tác chiến lược hoặc bảo đảm an ninh khu vực. Và khi được hỏi nếu buộc phải liên kết với Mỹ hoặc Trung Quốc, đa số người được hỏi tại 7 trong số 10 nước thành viên ASEAN đã chọn Trung Quốc.
[Nhìn lại thế giới 2020: Một năm thắng lợi của Trung Quốc?]
Không những thế, năm vừa qua cũng đã giúp tăng uy tín trong nước cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, với hầu hết người dân đánh giá cao việc chính phủ xử lý COVID-19, bất chấp một số sự tức giận về những nỗ lực ban đầu của chính phủ nhằm che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Sự trái ngược với Mỹ trong vấn đề này là rất rõ ràng. Tháng 5/2020, một cuộc khảo sát toàn quốc cho thấy 95% người Trung Quốc được hỏi tin tưởng vào chính phủ của họ, so với chỉ 48% ở Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như vẫn không an tâm
Tất cả những “thắng lợi” này đương nhiên sẽ tạo động lực cho Trung Quốc có các hành vi tự tin và quyết đoán hơn ở ngoài nước.
Tháng 9/2020, ông Tập đã khuyến khích các cán bộ Đảng Cộng sản “duy trì tinh thần chiến đấu và tăng cường khả năng đấu tranh.” Từ “đấu tranh” đã xuất hiện hơn 50 lần trong bài phát biểu của ông Tập.
Chuyên gia Richard McGregor của Viện Lowy bình luận, điều này phản ánh quan điểm của ông Tập rằng Trung Quốc đang trong một cuộc đấu tranh chống lại một kẻ thù không đội trời chung đang tàn phá Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu tháng 11/2020, Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi các nhà ngoại giao Trung Quốc sẵn sàng có một “tinh thần chiến đấu.”
Tất cả những điều này có nghĩa là thay vì thể hiện một tư thế tự tin, hành vi quốc tế của Trung Quốc thường đi theo hướng “bắt nạt” được thúc đẩy bởi “sự bất an”.
Australia đã và đang ở tuyến đầu trong cách đối xử này: Đối thoại cấp lãnh đạo và cấp bộ trưởng đã bị từ chối, xuất khẩu đã trở thành mục tiêu bị tấn công và các chiến dịch tuyên truyền đã được triển khai.
Như dự đoán, sự quyết đoán của Bắc Kinh đã dẫn đến việc tăng cường các liên minh như Đối thoại An ninh Tứ giác (bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ), cũng như các cuộc đối thoại sâu hơn giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Australia về cách xây dựng khả năng phục hồi cho các chuỗi cung ứng, hiện đang bị Trung Quốc chi phối.
Sử dụng "cà rốt" nhiều hơn "cây gậy"
Đã xuất hiện một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu nhận ra rằng hành vi thái quá của họ là phản tác dụng, ít nhất là đối với một số quốc gia, và sử dụng "cà rốt" nhiều hơn là dùng "cây gậy."
“Chính sách ngoại giao vắcxin” ở Đông Nam Á là một điển hình. COVID-19 đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Indonesia, với tổng số hơn 600.000 ca nhiễm cho đến nay.
Hồi tuần trước, Jakarta đã nhận được 1,2 triệu liều vắcxin do công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc đang quảng cáo cho nỗ lực này là “Con đường tơ lụa y tế,” với cam kết cung cấp hàng tỷ USD viện trợ và các khoản vay cho hầu hết các nước đang phát triển để giúp họ phục hồi sau đại dịch.
Australia sẽ không có nhiều lựa chọn trước một Trung Quốc mạnh hơn
Tuy nhiên, trong trường hợp của Australia, Trung Quốc có khả năng sẽ không sớm thôi dùng "cây gậy."
Dirk van der Klay- nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU)- nhận xét, sự tương phản hoàn toàn trong hai mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á và Australia là nhằm mục đích cho khu vực thấy lợi ích của việc duy trì mối quan hệ tốt với Bắc Kinh cũng như hậu quả của việc không tuân thủ các đòi hỏi của Bắc Kinh.
Trong khi các nước như Mỹ, Anh và Pháp ít nhất đã lên tiếng ủng hộ Australia trước những khó khăn do Trung Quốc gây ra, các nước láng giềng Đông Nam Á quan trọng nhất của Australia lại giữ thái độ im lặng.
Trong bối cảnh quyền lực tương đối của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong năm 2021, Canberra có thể sẽ phải đối mặt với những khó chịu lớn hơn.
Như cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Singapore, Bilahari Kausikan, đã nhận xét vào tháng 10/2020, Australia “không phải là quốc gia duy nhất” vì “hầu hết các nước” trong khu vực đều phải đối mặt với thách thức giống nhau trong việc quản lý quan hệ với Trung Quốc và Mỹ để tối đa hóa lợi ích kinh tế và an ninh của mỗi nước.
Sự khác biệt đáng tiếc của Australia là quan hệ của nước này với Trung Quốc đã đi xuống mức quá sâu nên ít có khả năng đàm phán về một con đường đi giữa hai cường quốc.
Tokyo, New Delhi và Jakarta đều đã có những thách thức nghiêm trọng với Bắc Kinh, nhưng quan hệ của các nước này chưa bao giờ xuống thấp như căng thẳng Trung Quốc-Australia hiện nay.
Tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia là một hướng đi mới, nhưng bên cạnh đó Australia cần có một chiến lược thực dụng để đưa mối quan hệ với Trung Quốc ít nhất trở lại bình thường./.