Theo trang mạng project-syndicate.org, gần đây, khi tỷ phú Ray Dalio dự báo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, thế giới bắt đầu để ý.
Đây là một dự báo mà chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy thành hiện thực.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu năm Tân Sửu 2021 sẽ đem đến thay đổi mang tính quyết định vốn cần thiết để thúc đẩy vị thế của đồng nhân dân tệ để thực hiện tham vọng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hay không?
Giống như một cuộc thi sắc đẹp, cuộc đua giành ngôi vị “đồng tiền dự trữ” là một cuộc đua về sự hấp dẫn tương đối của tiền tệ.
Các thương nhân và nhà đầu tư quốc tế phải quyết định đồng tiền nào trong rổ tiền tệ có khả năng hữu dụng nhất, được hậu thuẫn bởi một hệ thống tài chính mạnh nhất và được đảm bảo bởi quyền lực tối cao đáng tin cậy của quốc gia sở hữu đồng tiền đó, một yếu tố dường như quan trọng nhất.
Điều mới mẻ hiện nay đó là hai cường quốc hàng đầu thế giới có vẻ đang cạnh tranh với nhau khiến “sự đáng tin cậy” của cả 2 bị tổn hại.
“Tính hấp dẫn tương đối” của một đồng tiền là một khái niệm rất khó để định lượng. Tuy nhiên, đằng sau khái niệm này là một yếu tố có thể được đo lường chính xác: quy mô của nền kinh tế phát hành ra đồng tiền đó.
Trong một nghiên cứu năm 1984, nhà kinh tế học Paul Krugman giải thích: “Đồng tiền của quốc gia có vị thế quan trọng trong thị trường quốc tế sẽ có ưu thế hơn để trở thành tiền tệ quốc tế so với đồng tiền của quốc gia có vị thế nhỏ hơn.”
[Giới phân tích: Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ trong 2021]
Nói cách khác, một nền kinh tế có vị thế thống trị toàn cầu là công cụ “phần cứng” cho một đồng tiền dự trữ quốc tế.
Rõ ràng, Trung Quốc có công cụ “phần cứng” cần thiết cho đồng nội tệ của mình.
Quốc gia này trở thành nước có trao đổi thương mại lớn nhất toàn cầu từ năm 2013.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn hơn nền kinh tế Mỹ xét theo sức mua tương đương và sẽ sớm vượt qua Mỹ xét theo tỷ giá thị trường.
Bởi các lý do đó, ông Arvind Subramanian, từng là trưởng cố vấn kinh tế cho chính phủ Ấn Độ và là một trong hai tác giả bài viết này, đã dự báo từ một thập kỷ trước rằng đồng nhân dân tệ sẽ cạnh tranh và cuối cùng sẽ soán ngôi đồng USD.
Kể từ sau dự đoán này, Trung Quốc đã đạt được bước tiến to lớn trong việc tăng cường “tính hấp dẫn tương đối” của đồng nhân dân tệ.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với nền kinh tế Mỹ và có khả năng chống đỡ tốt hơn Mỹ trước cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã bắt đầu phát triển và thử nghiệm đồng tiền số.
Các nước đang phát triển tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ ngày càng nhiều trong các giao dịch thương mại và tài chính với Trung Quốc.
Tuy nhiên, USD cũng là một đồng tiền có sức kháng cự mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Gita Gopinath, cùng các đồng sự đã chỉ ra rằng phần lớn các giao dịch thương mại vẫn sẽ tiếp tục sử dụng USD và rằng đồng bạc xanh vẫn sẽ đóng vai trò nổi bật trong trong các hoạt động đầu tư xuyên biên giới.
Lý do cốt lõi đằng sau sự bền bỉ của đồng bạc xanh so với đồng nội tệ của Trung Quốc đó là “phần cứng” kinh tế của Mỹ được bổ trợ bởi “phần mềm” đầy quyền lực: Tất cả các phẩm chất vô hình đó giúp tạo lập niềm tin của nhà đầu tư, ít nhất là một hệ thống ngân hàng hùng mạnh được hậu thuẫn bởi một chủ quyền uy tín.
Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi mới có thể đuổi kịp Mỹ trong những phẩm chất vô hình nói trên.
Để tạo dựng niềm tin đối với hệ thống tài chính, Trung Quốc cần củng cố các ngân hàng cung cấp các khoản tín dụng vượt quá khả năng chi trả của khách hàng.
Sau đó, Trung Quốc cần loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn và đảm bảo tính minh bạch lớn hơn để nhà đầu tư có thể tin tưởng nắm rõ mặt hàng họ đang mua khi tham gia thị trường tài chính Trung Quốc.
Tiếp đó, giới chức Bắc Kinh cần cam kết duy trì các biện pháp này để nhà đầu tư yên tâm rằng họ luôn có thể thoái vốn khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể nhanh chóng thực hiện bất kỳ thay đổi nào nói trên. Thậm chí, việc thuyết phục các nhà đầu tư tin rằng thay đổi là không thể đảo ngược còn mất nhiều thời gian hơn nữa.
Nhiệm vụ tiếp theo đó là xây dựng niềm tin vào quyền lực tối cao của mình. Bắc Kinh sẽ cần thuyết phục các quốc gia khác rằng Trung Quốc sẽ vẫn là một đối tác kinh tế đáng tin cậy.
Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực, nhất là trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc hiện nay đang đi sai hướng. Trung Quốc có thể đã góp phần xúc tiến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vốn được ký kết gần đây.
Tuy nhiên, Bắc Kinh này vẫn sử dụng đòn trừng phạt thương mại như một đòn chính trị để trị một trong những đối tác thương mại chính của mình là Australia.
Hơn nữa, Trung Quốc đang mạnh tay đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và hoạt động tự do ngôn luận tại Hong Kong, gây quan ngại về những hệ quả đối với vị thế trung tâm tài chính quốc tế của thành phố này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thanh trừng một trong những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của nước này là tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập của Alibaba, trong khi công bố chiến lược phát triển mới có tên gọi “tuần hoàn kép,” báo hiệu một chính sách kinh tế tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế trong nước.
Chắc chắn, Mỹ cũng đang đặt câu hỏi về uy tín của chính mình với tư cách một đối tác thương mại, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ví dụ, các đòn trừng phạt đối với Iran mà chính quyền Trump áp đặt, theo đó cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch trực tiếp với không chỉ các ngân hàng của Iran mà còn với bất kỳ ngân hàng quốc tế nào hoạt động tại quốc gia Hồi giáo đó.
Hệ quả là các quốc gia khác, bao gồm rất nhiều đồng minh và bạn bè của Mỹ, nhận ra họ rất dễ bị tổn thương trước các quyết định đơn phương của Washington.
Mặc dù sự thống trị của đồng USD đem lại tiện lợi, nhưng giờ sự tiện lợi này lài đi kèm với cái giá phải trả có thể rất cao, cao tới mức châu Âu đã phải vội vàng thiết lập cho mình một cơ chế thanh toán thương mại xuyên quốc gia.
Gần đây hơn, chính quyền Mỹ tiền nhiệm dưới thời Trump lại có hành động "đánh đòn" trực tiếp nhằm vào Trung Quốc khi Trump ra lệnh các tổ chức tài chính và nhà đầu tư Mỹ phải chấm dứt quan hệ với một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, đồng thời 3 công ty Trung Quốc phải bị xóa tên khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán New York.
Chính quyền Trung Quốc đang lên kế hoạch đáp trả nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc trước “mưa tên bão đạn” của Washington.
Hiện, không rõ quốc gia nào đang làm suy yếu uy tín “phần mềm” của chính mình nhiều hơn nên chưa thể khẳng định sự thống trị của USD là không thể lay chuyển.
Trung Quốc vẫn có thể chiến thắng trong cuộc đua giành ngôi vị “đồng tiền dự trữ” nếu đồng nhân dân tệ trở nên hấp dẫn hơn, hoặc đơn giản vì đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn.
Hơn nữa, phải nhớ rằng lịch sử không phải luôn đứng về phía đồng USD.
Nhà lịch sử kinh tế thuộc Viện Công nghệ Massachussets là Charles P. Kindleberger từng dự báo “đồng USD sẽ kết thúc trong đống tro tàn của lịch sử, cùng với đồng bảng Anh, đồng guilder của Hà Lan, đồng xu florin của một số quốc gia châu Âu, đồng vàng ducat của Cộng hòa Venice (thành quốc Italy thế kỷ tồn tại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18) và nếu bạn lùi về quá khứ xa hơn nữa là đồng bezant của Đế quốc La Mã.”
Liệu năm 2021 này có mở ra một sự thay đổi vị thế mang tính quyết định từ đồng USD sang nhân dân tệ hay không, vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giới cầm quyền Bắc Kinh rất tự tin về triển vọng đối với đồng tiền của quốc gia mình. Họ dường đã bị thuyết phục rằng “phần cứng” sẽ đủ sự hấp dẫn bất chấp những thiếu sót trong “phần mềm.”
Một thông điệp tương đối rõ ràng được gửi đến thế giới: Dù Trung Quốc làm gì thì đồng nhân dân tệ cũng vẫn sẽ thống trị./.