Trang theafricareport.com đã đăng bài phân tích 10 vấn đề chính cần quan tâm trong quan hệ Trung Quốc-châu Phi năm 2021, nội dung như sau:
Năm 2020, quan hệ Trung Quốc-châu Phi vẫn là một tâm điểm chú ý trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Lục địa Đen. Dưới đây là 10 vấn đề sẽ tiếp tục định hình mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi năm 2021.
1. Vắcxin: Với việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đứng ngoài cuộc, việc Trung Quốc phân phối vắcxin cho châu Phi có thể tạo ra lợi ích địa chính trị khổng lồ cho cường quốc châu Á này.
Trung Quốc đang xây dựng luồng phân phối vắcxin COVID-19 ở châu Phi, bao gồm đường không vận với các thiết bị bảo ôn theo tiêu chuẩn từ Thâm Quyến, thành lập trung tâm phân phối ở Addis Ababa (Ethiopia) và khả năng sản xuất ở Cairo (Ai Cập).
Với việc các nước giàu tích trữ vắcxin, nguồn cung của Trung Quốc có thể có tác động không cân đối đến sức khỏe ở châu Phi và tạo ra lợi ích địa chính trị đáng kể cho Bắc Kinh, bởi đến nay cả Washington và Brussels đều không tham gia/cam kết cụ thể đối với việc phân phối vắcxin cho lục địa này.
2. Các khoản vay: Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm cho vay đối với châu Phi để đối phó với áp lực cải thiện quản lý rủi ro ở Bắc Kinh.
Xu hướng cắt giảm cho vay chính thức của hai ngân hàng chính sách chủ chốt Trung Quốc - Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - đối với các nước châu Phi, sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021.
Điều đó không có nghĩa là toàn bộ các khoản vay sẽ tạm dừng, mà là việc cho vay sẽ mang tính chọn lọc hơn, đòi hỏi sự thẩm định kỹ hơn, có thể đến từ các nguồn khác như các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại của Trung Quốc.
Thời kỳ các chính phủ châu Phi tiếp cận tương đối dễ dàng với nguồn tài chính cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã chấm dứt.
3. Vấn đề nợ: Khủng hoảng nợ ở một số quốc gia châu Phi sẽ tồi tệ hơn trong năm nay, nhưng không phải do Trung Quốc.
Các chủ nợ từ Trung Quốc có thể sẽ tăng cường nỗ lực tái cơ cấu dư nợ tại 6-10 nước châu Phi đang đối mặt với những thách thức trả nợ gay gắt nhất, tương tự như các ngân hàng chính sách của Trung Quốc, các tổ chức cho vay khác đã tái cơ cấu các khoản cho vay ở Angola và Zambia trong năm 2020.
Quá trình đó có thể sẽ diễn ra tại Kenya, Ethiopia và Djibouti trong năm 2021. Không có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẽ xóa bất kỳ khoản vay thương mại hoặc vay ưu đãi nào của nước này dành cho châu Phi.
Thay vào đó, Trung Quốc có thể đình chỉ việc trả lãi như một phần của Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20, kéo dài thời hạn trả nợ và đàm phán lại lãi suất.
4. Thương mại: Nhu cầu của Trung Quốc đối với tài nguyên từ châu Phi sẽ phục hồi vào năm 2021, nhưng không đạt mức như các nhà cung cấp mong đợi.
Thương mại hai chiều có thể sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi giảm 20% vào năm 2020, phần lớn là do nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Nhưng rất ít khả năng thương mại song phương sẽ tăng trưởng vượt mức năm 2019 (khoảng 208 tỷ USD) do Trung Quốc đang liên tục đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu để tránh phụ thuộc vào một số nguồn tài nguyên nhất định ở một khu vực nào đó.
Chẳng hạn, hoạt động mua dầu mỏ sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các nước vùng Vịnh, châu Mỹ và Nga. Tuy nhiên, ngoại lệ đáng chú ý sẽ là quặng coltan, coban và các khoáng chất chiến lược khác tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Xuất khẩu của Trung Quốc vào châu Phi có thể sẽ vẫn tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà cung cấp hàng chế biến của châu Phi đã và đang phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh.
5. Đầu tư: Khối lượng, không nhất thiết cả giá trị, FDI từ Trung Quốc vào châu Phi có thể sẽ tăng trong năm 2021.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang để mắt đến các công ty đang gặp khó khăn ở châu Phi và có khả năng sẽ tận dụng tình hình suy thoái kinh tế hiện tại để mua tài sản với giá chiết khấu.
Cần tiếp tục quan sát các hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) của Trung Quốc trong ngành khai khoáng, thăm dò dầu khí và sự hiện diện sâu rộng hơn của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ châu Phi - vốn đã rất mạnh trước đó.
Các tập đoàn, các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc có thể sẽ có xu hướng lựa chọn kỹ và nghiêm túc hơn những công ty và lĩnh vực mà họ sẽ đầu tư trong năm 2021.
Mặc dù có thể có nhiều thương vụ hơn vào năm 2021, nhưng giá trị tổng thể của FDI từ Trung Quốc vào châu Phi có thể không tăng.
6. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI): Năm 2021, Trung Quốc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn để kết hợp BRI với các khu vực thương mại tự do mới, rộng lớn ở châu Phi và châu Á.
Việc hội nhập sâu hơn nữa của châu Phi vào BRI sẽ trở thành một ưu tiên quan trọng hơn nhiều trong năm 2021, khi Bắc Kinh tìm cách tận dụng các khoản đầu tư lớn trước đây vào mạng lưới thương mại rộng lớn của nước này. Bắc Kinh ngày càng thể hiện sự ủng hộ lớn hơn đối với việc liên kết BRI với các mạng lưới thương mại tự do khu vực ở châu Phi (AfCFTA) và châu Á (RCEP).
Ý tưởng ở đây là các nước châu Phi tận dụng cơ sở hạ tầng do BRI tài trợ để vận chuyển hàng hóa miễn thuế trên khắp lục địa (nhờ AfCFTA) tới khách hàng ở các quốc gia thành viên BRI, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm cung cấp hậu cần vận chuyển, công nghệ và thiết lập tiêu chuẩn.
7. Công nghệ: Sự thống trị của Trung Quốc đối với khu vực công nghệ rộng lớn của châu Phi sẽ tăng trong năm 2021.
Các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện - vốn đã rất mạnh - trong lĩnh vực công nghệ châu Phi thông qua mở rộng các dịch vụ 5G do các công ty như Huawei và ZTE cung cấp.
Không có dấu hiệu cho thấy thị phần điện thoại di động của Transsion (Trung Quốc) ở châu Phi đang ở mức trên 50% sẽ bị sụt giảm trong năm 2021. Việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ giám sát của Trung Quốc cũng có thể sẽ trở thành một vấn đề gây tranh cãi hơn trong năm 2021 giữa các bên liên quan, bao gồm cả các tổ chức xã hội dân sự châu Phi và quốc tế.
8. Địa chính trị: Châu Phi sẽ không còn là tâm điểm của căng thẳng Mỹ-Trung và thay vào đó sẽ trở thành con tốt trong các cuộc xung đột khác của Trung Quốc.
Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như quan tâm đến việc đảm bảo rằng chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Phi sẽ tập trung vào chính châu lục này và không coi châu Phi là một “đấu trường” khác để đối đầu với Trung Quốc.
Washington có thể sẽ tập trung mở rộng sự can dự về kinh tế và thúc đẩy quản trị tốt, ít chú trọng hơn đến việc cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trên lục địa.
Nhưng với việc các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc đang trở nên xấu đi ở nhiều nơi trên thế giới (Australia, một phần châu Âu, Brazil, Mỹ, v.v.), Trung Quốc có thể sẽ kêu gọi các nước châu Phi ủng hộ lập trường của họ trong các vấn đề gây tranh cãi như Tân Cương, Đài Loan...
Ngoài ra, Bắc Kinh có thể quay sang các nhà cung cấp nguyên liệu thô của châu Phi để gây áp lực với Australia và Brazil - những quốc gia đang bị coi là thách thức lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
9. Tính bền vững: Phát triển năng lượng bền vững ở châu Phi sẽ là một thách thức trong thời gian tới.
Hãy hy vọng các nhà ngoại giao, các phương tiện truyền thông chính thức và các bên liên quan khác của Trung Quốc đề cập nhiều hơn về giá trị của cái gọi là “BRI Xanh” và sự phát triển năng lượng bền vững ở Lục địa Đen, đồng thời tiếp tục tài trợ cho sản xuất nhiệt điện than và các đập thủy điện ở các nước bị hạn hán.
Quả thực, các nhà cho vay và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tăng cường hỗ trợ thường xuyên cho việc sản xuất điện Mặt Trời ở các nước như Zambia và Kenya, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong số các phương pháp sản xuất điện phổ biến nhất và gây hại cho môi trường mà Trung Quốc đang xây dựng ở những nơi khác của châu Phi.
10. FOCAC: Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2021 tại Dakar, Senegal.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều khả năng sự kiện này sẽ được tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành tại Tây Phi. Đó có lẽ là một điều tốt cho Trung Quốc, vì nếu FOCAC diễn ra trực tuyến, các phương tiện truyền thông sẽ ít chú ý hơn đến sự kiện này - điều đó sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát tốt hơn các thông điệp từ hội nghị thượng đỉnh./.