Dự báo thế giới 2020: Vị trí mới của Đài Loan trên thế giới

2019 là một năm quan trọng cho Đài Loan xét trên nhiều khía cạnh. Đây có thể là năm khởi đầu của một sự tái cấu trúc lâu dài về hệ thống cung ứng châu Á-Thái Bình Dương.
Dự báo thế giới 2020: Vị trí mới của Đài Loan trên thế giới ảnh 1Thành phố Đài Bắc của Đài Loan về đêm. (Nguồn: Remote Lands)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, Đài Loan đã có thêm một năm đầy thách thức nữa khi năm 2019 vừa qua được lấp đầy bởi cả những hứng khởi xen lẫn lo ngại.

Hai nhân tố chính đã định hình những tiến triển của năm 2019 là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan đang gần kề.

Về kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua (CIER) dự báo tăng trưởng GDP của Đài Loan sẽ là một trong những nơi cao nhất tại khu vực, đạt tới 2,33%.

Mặc dù hoạt động thương mại của Đài Loan đã giảm trong suốt năm vừa qua, song đầu tư trong lĩnh vực chế tạo đã tăng vọt lên một mức lịch sử, đóng góp vào tăng tăng trưởng GDP.

Có thể nói, kết quả này có được phần nào nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Sự tăng vọt đầu tư chủ yếu được củng cố nhờ việc các công ty chế tạo trang thiết bị gốc Đài Loan (OEM) từng coi Trung Quốc đại lục là cơ sở sản xuất chính của mình nay đã trở về Đài Loan để hạn chế sự áp đặt các loại thuế với các khách hàng Mỹ.

Theo các con số của chính quyền, đầu tư cam kết đạt 27 tỷ USD kể từ tháng 12, trong đó 8,7 tỷ USD đã được hiện thực hóa.

Khoảng 70% trong số tiền đầu tư này là vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tiếp đến là máy móc chạy bằng điện, các sản phẩm tiêu dùng và hóa chất.

Với hiệu quả là tạo các cơ hội việc làm cũng như những động lực mới cho các hoạt động kinh tế, các triển vọng ngắn hạn cho năm 2020 đang rất tích cực.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã thôi thúc chính quyền tăng tốc trong việc đưa ra các quyết định quan trọng về đầu tư công, bao gồm sự mở rộng hệ thống đường sắt đến các thành phố từng bị coi là không thuận lợi về kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình lại đặt câu hỏi về tính khả thi của điều này, và lo ngại việc thiếu các tiến trình đánh giá minh bạch về sự tác động của nó.

[Quốc Dân Đảng đề cử ứng viên tranh cử lãnh đạo Đài Loan năm 2020]

Một tiến triển quan trọng khác là sự thay đổi cơ cấu đang diễn ra trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tăng trưởng xuất khẩu toàn diện của Đài Loan đạt mức 3,4% tính từ tháng 10/2019, với xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 23%, còn xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 32%.

Từ nay đến cuối năm, Mỹ dự kiến sẽ vượt ASEAN để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Đài Loan, chỉ sau Trung Quốc.

Đầu tư vào Trung Quốc - từng thống trị đầu tư nước ngoài của Đài Loan - đã giảm tới hơn 50% từ tháng 11 so với cùng kỳ năm 2018, và đầu tư vào ngành chế tạo trong lĩnh vực ICT đã giảm tới hơn 90%.

Nhìn từ quan điểm chiến lược, kết quả này nhận được sự ủng hộ của đa phần dư luận ở Đài Loan bởi nó tạo ra một sự tái cân bằng trong mối quan hệ kinh tế của Đài Loan với Trung Quốc bằng cách giảm mức độ phụ thuộc và hội nhập của Đài Loan với nền kinh tế Trung Quốc - một mục tiêu đã được chính quyền hiện nay đặt ra từ lâu.

Tuy nhiên, sự tái cân bằng này cũng phải chịu những cái giá về kinh tế: sự tái cấu trúc hệ thống cung ứng sẽ tác động không chỉ đến sự chuyển động của vốn và ngành chế tạo thiết bị, mà cả người lao động và các nhà cung cấp.

Mặc dù Đài Loan là địa điểm được ưa thích đối với nhiều công ty OEM của Đài Loan, mức giá tương đối cao trong sản xuất đồng nghĩa với việc Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác cũng luôn là những lựa chọn khả thi.

Các chuỗi cung ứng không hoàn thiện và sự thiếu hụt nhân công có tay nghề vẫn luôn là những mối lo ngại hàng đầu đối với nhiều doanh nghiệp Đài Loan.

Mối quan hệ thương mại với Mỹ được trẻ hóa cũng không hoàn toàn là một tin tốt. Thặng dư thương mại của Đài Loan với Mỹ đã đạt 170 tỷ USD vào tháng 10/2019, có nghĩa là ngưỡng thặng dự thương mại 200 tỷ USD sẽ dễ dàng bị vượt qua từ nay đến cuối năm.

Đây là một trong các ngưỡng mà Mỹ áp dụng để liệt các đối tác thương mại vào danh sách những nước thao túng tiền tệ tiềm tàng. Đài Loan cũng đã vượt quá một ngưỡng khác - khi thặng dư tài khoản vãng lai hiện cao hơn 2% GDP - nên nguy cơ Đài Loan bị đánh giá là nước thao túng tiền tệ lại càng gia tăng.

Mặc dù vậy, mối quan hệ Đài Loan-Mỹ vẫn được cải thiện một cách đáng kể trong năm 2019. Đạo Luật Đi lại Đài Loan - vốn cho phép quan chức cấp cao hai nước qua lại giữa Mỹ và Đài Loan - đã có hiệu lực năm 2018.

Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đã lần lượt thông qua Đạo luật mang tên Sáng kiến Tăng cường và Bảo vệ Các đồng minh Quốc tế Đài Loan vào năm 2019, theo đó chỉ thị cho chính phủ Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia một cách đáng kể của Đài Loan trong các hoạt động quốc tế, trong đó có Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Những tiến triển này, cùng với các sáng kiến khác, đã chọc giận Bắc Kinh, gây tổn thương mối quan hệ Đài Loan-Trung Quốc. Làn sóng biểu tình tại Hong Kong đã làm suy yếu một cách nghiêm trọng giá trị và sự tín nhiệm của chính sách “Một nước, hai chế độ” mà Trung Quốc ủng hộ.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của văn phòng Hội đồng các Vấn đề Đại lục của Đài Loan hồi tháng 10, hơn 89% dân số hòn đảo này phản đối chính sách trên trong việc định hình tương lai của mối quan hệ hai bờ Eo biển.

Câu chuyện về gián điệp Trung Quốc vừa xuất hiện trên chương trình 60 Phút của Australia dường như càng đổ thêm dầu vào lửa.

2019 là một năm quan trọng cho Đài Loan xét trên nhiều khía cạnh. Đây có thể là năm khởi đầu của một sự tái cấu trúc lâu dài về hệ thống cung ứng châu Á-Thái Bình Dương.

Đây cũng có thể là khởi đầu của một sự chấm dứt hội nhập kinh tế giữa Đài Loan và Trung Quốc vốn đã kéo dài trong hơn 25 năm qua. Mối quan hệ hai bờ Eo biển cũng có thẻ sẽ bắt đầu được tái định hình.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại bao trùm lên những quyết định liên quan đến tương lai của Đài Loan. Dù ai có lên làm tổng thống tiếp theo của Đài Loan vào tháng 1/2020 tới thì chắc chắn cũng sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ đầy thách thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục