Trong một chiều hướng báo hiệu có sự cải thiện lớn về tình hình tài chính, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 5/2 công bố báo cáo cho hay cán cân thu chi ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ trong năm 2013 dự báo sẽ có sự cải thiện.
Năm 2013 có thể sẽ là năm đầu tiên trong 5 năm qua thâm hụt ngân sách giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong năm nay dự báo vẫn ở mức cao đáng lo ngại.
Báo cáo của CBO cho biết lần đầu tiên kể từ năm 2008, thâm hụt ngân sách của Mỹ tài khóa 2013 dự đoán chỉ ở mức 845 tỷ USD, tương đương 5,3% GDP.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, ngân sách của Mỹ lần lượt bị thâm hụt 1.400 tỷ USD - mức cao kỷ lục kể từ năm 1945 - trong năm 2009, 1.170 tỷ USD năm 2010, 1.297 tỷ USD năm 2011 và 1.089 tỷ USD trong năm 2012.
Nguyên nhân chính giúp tình trạng chênh lệch trong cán cân thu chi ngân sách của Mỹ cải thiện trong năm 2013 là do Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế thu nhập cao hơn đối với thiểu số những người giàu có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên (đối với cá nhân) và từ 450.000 USD/năm (đối với các hộ gia đình).
Tuy nhiên, do chi tiêu của chính phủ bị cắt giảm, nhịp độ tăng GDP của Mỹ trong năm 2013 dự báo có thể chỉ đạt 1,4%, thấp hơn so với mức tăng ước khoảng 1,9% trong năm 2012 mặc dù mức tăng trưởng trong năm 2012 này vẫn thấp hơn dự đoán chính thức 2,2% của Chính phủ Mỹ.
Mức dự báo về nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ mà CBO đưa ra thấp hơn đáng kể so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (2,1%) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (2,3-3%).
CBO cho rằng mức tăng trưởng kinh tế năm 2013 của Mỹ có thể cao gấp hai lần nếu không có chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách "tự động" của Mỹ - dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2013 nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được một giải pháp thay thế. Bên cạnh đó, thuế đánh vào những người có thu nhập cao cũng cản trở đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ trong năm 2013 dự báo vẫn khá căng thẳng, với tỷ lệ thất nghiệp ước đoán vẫn ở mức cao trên dưới 8%, so với 7,9% trong tháng 12/2012, 7,8% trong tháng 11/2012 và 7,7% trong tháng 10/2012.
Theo dự báo của CBO, với mức bội chi ngân sách hàng năm ở mức xấp xỉ 1.000 tỷ USD từ nay đến năm 2023, tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 10 năm tới dự kiến khoảng 6.958 tỷ USD, càng đổ thêm gánh nặng vào khoản nợ quốc gia đã sắp chạm trần 16.400 tỷ USD mà Quốc hội cho phép.
Hạ nghị sỹ Paul Ryan, người sát cánh bên ứng cử viên Mitt Romney trong cuộc tranh cử Tổng thống cuối năm ngoái, nhấn mạnh báo cáo của CBO là một lời cảnh báo nữa rằng Mỹ cần kiểm soát vấn đề chi tiêu ngân sách. Ông cho rằng không thể để tình trạng nợ quốc gia chạm mức 26.000 tỷ USD vào năm 2023.
Với mức thâm hụt ngân sách hàng năm vẫn khá cao và nợ quốc gia ngày càng phình to, báo cáo của CBO cảnh báo về nguy cơ nước Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới, nếu ngay từ lúc này Nhà Trắng và Quốc hội không thỏa thuận được về quy mô và các biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách./.
Năm 2013 có thể sẽ là năm đầu tiên trong 5 năm qua thâm hụt ngân sách giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong năm nay dự báo vẫn ở mức cao đáng lo ngại.
Báo cáo của CBO cho biết lần đầu tiên kể từ năm 2008, thâm hụt ngân sách của Mỹ tài khóa 2013 dự đoán chỉ ở mức 845 tỷ USD, tương đương 5,3% GDP.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, ngân sách của Mỹ lần lượt bị thâm hụt 1.400 tỷ USD - mức cao kỷ lục kể từ năm 1945 - trong năm 2009, 1.170 tỷ USD năm 2010, 1.297 tỷ USD năm 2011 và 1.089 tỷ USD trong năm 2012.
Nguyên nhân chính giúp tình trạng chênh lệch trong cán cân thu chi ngân sách của Mỹ cải thiện trong năm 2013 là do Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế thu nhập cao hơn đối với thiểu số những người giàu có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên (đối với cá nhân) và từ 450.000 USD/năm (đối với các hộ gia đình).
Tuy nhiên, do chi tiêu của chính phủ bị cắt giảm, nhịp độ tăng GDP của Mỹ trong năm 2013 dự báo có thể chỉ đạt 1,4%, thấp hơn so với mức tăng ước khoảng 1,9% trong năm 2012 mặc dù mức tăng trưởng trong năm 2012 này vẫn thấp hơn dự đoán chính thức 2,2% của Chính phủ Mỹ.
Mức dự báo về nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ mà CBO đưa ra thấp hơn đáng kể so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (2,1%) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (2,3-3%).
CBO cho rằng mức tăng trưởng kinh tế năm 2013 của Mỹ có thể cao gấp hai lần nếu không có chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách "tự động" của Mỹ - dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2013 nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được một giải pháp thay thế. Bên cạnh đó, thuế đánh vào những người có thu nhập cao cũng cản trở đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ trong năm 2013 dự báo vẫn khá căng thẳng, với tỷ lệ thất nghiệp ước đoán vẫn ở mức cao trên dưới 8%, so với 7,9% trong tháng 12/2012, 7,8% trong tháng 11/2012 và 7,7% trong tháng 10/2012.
Theo dự báo của CBO, với mức bội chi ngân sách hàng năm ở mức xấp xỉ 1.000 tỷ USD từ nay đến năm 2023, tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 10 năm tới dự kiến khoảng 6.958 tỷ USD, càng đổ thêm gánh nặng vào khoản nợ quốc gia đã sắp chạm trần 16.400 tỷ USD mà Quốc hội cho phép.
Hạ nghị sỹ Paul Ryan, người sát cánh bên ứng cử viên Mitt Romney trong cuộc tranh cử Tổng thống cuối năm ngoái, nhấn mạnh báo cáo của CBO là một lời cảnh báo nữa rằng Mỹ cần kiểm soát vấn đề chi tiêu ngân sách. Ông cho rằng không thể để tình trạng nợ quốc gia chạm mức 26.000 tỷ USD vào năm 2023.
Với mức thâm hụt ngân sách hàng năm vẫn khá cao và nợ quốc gia ngày càng phình to, báo cáo của CBO cảnh báo về nguy cơ nước Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới, nếu ngay từ lúc này Nhà Trắng và Quốc hội không thỏa thuận được về quy mô và các biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách./.
Hùng-Mai (TTXVN)