Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tiến hành một nghiên cứu tìm hiểu những thay đổi bất thường về khí hậu ở vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới, nằm giữa Australia và Mỹ, từ đó đưa ra dự báo và lập mô hình biến đổi khí hậu cũng như các tác động của biến đổi khí hậu.
Giáo sư Scott Power thuộc Đại học Nam Queensland (Australia), một trong những người chủ trì nghiên cứu, cho biết việc nghiên cứu những thay đổi bất thường về khí hậu ở vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới, được gọi là "Biến động Decadal vùng Thái Bình Dương nhiệt đới" (TPDV), là rất quan trọng vì sự thay đổi nhiệt độ ở vùng biển này có thể gây những tác động sâu rộng.
[Biến đổi khí hậu: Thế giới vẫn có cơ hội tránh kịch bản “khủng khiếp"]
Giáo sư Power cho biết từ nghiên cứu TPDV, các nhà khoa học lập mô hình về hạn hán, cháy rừng, lũ lụt, quy mô băng biển ở địa cực, lưu lượng sông, sản lượng nông nghiệp cũng như mức ấm lên của Trái Đất liên quan sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nghiên cứu cũng dự báo những tác động của sự ấm lên của vùng biển này đối với sự sống ở biển, như khả năng giảm số lượng cá sinh sống ven biển và sự tổn hại đáng kể các rạn san hô ở bờ biển Australia và khắp các đảo ở Thái Bình Dương.
Theo Giáo sư Power, những dự báo này có thể giúp ích cho các cộng đồng, chính phủ và ngành công nghiệp chuẩn bị ứng phó với những tác động mạnh hơn của biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu cũng dự báo rằng nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây chỉ là sự khởi đầu cho xu hướng này. Dự báo nhiệt độ cao kỷ lục sẽ xảy ra trong hàng thập kỷ tới do sự ấm lên hơn nữa ở vùng Thái Bình Dương xích đạo.
Nghiên cứu này đã được đăng trên tập san Science số ra ngày 1/10, là công trình nghiên cứu chung của 35 nhà khoa học quốc tế, đại diện cho 27 trung tâm nghiên cứu khí hậu trên toàn cầu./.