Dự báo quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ trong bối cảnh mới

Về thương mại, Việt Nam nên tăng sức mua từ Hoa Kỳ, kể cả sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhằm giảm sự chênh lệch trong cán cân thương mại song phương.
Đóng gói sản phẩm thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần thứ 2 với nhiều ẩn số trong chính sách thương mại toàn cầu đang đặt các đối tác vào tình thế “dè chừng."

Việt Nam với vai trò là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ sẽ chịu tác động như thế nào là vấn đề được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm thảo luận thời gian gần đây.

Dự báo chính sách Trump 2.0

Ở nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tập trung thực hiện chiến lược giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước và hướng thu hút đầu tư quay về Hoa Kỳ. Theo đó, chính quyền ông Trump sử dụng Đạo luật Thương mại của Hoa Kỳ để áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm vào đối tác mà Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Các mức thuế này được Hoa Kỳ duy trì ngay cả dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Với việc đắc cử Tổng thống lần thứ 2, nhiều chuyên gia dự báo, chính quyền Tổng thống Trump mới sẽ tiếp tục các chính sách ở nhiệm kỳ đầu tiên, thậm chí có nhiều biện pháp thuế quan cứng rắn hơn với hàng nhập khẩu.

Một trong những động thái của ông Trump sau đắc cử là thông báo sẽ áp thuế 25% đối hàng hóa từ Canada và Mexico; đồng thời áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Mặc dù chưa chính thức ban hành nhưng đây được xem là dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu sắp tới sẽ có nhiều “sóng gió."

Ông Eugene Laney - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (AAEI) khi tham gia trực tuyến Diễn đàn hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây đã bình luận: "Chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đặc biệt ưu tiên đến thúc đẩy sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp quay về đầu tư trong nước, tạo việc làm cho người dân. Do đó, họ nỗ lực khống chế các quan hệ thương mại mất cân bằng khi mà Hoa Kỳ nhập siêu quá nhiều từ đối tác."

Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nói cách khác, chính quyền Trump có xu hướng coi thương mại như một “bệnh nhân” ốm yếu cần phải chữa trị. Liều thuốc chính là áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu. Mục tiêu thương mại tự do mà thế giới hướng đến bị xem là thách thức đối với thương mại công bằng của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty có xu hướng quay về đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ để tránh các rủi ro về thuế, chính sách thương mại thay đổi liên tục của chính quyền.

Bà Barbara Weisel - nguyên Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho biết ngay từ khi thực hiện chiến dịch tranh cử Tổng thống lần thứ 2, ông Donald Trump đã đe doạ tăng thêm 10-60% thuế đối hàng Trung Quốc, 25% với Canada và Mexico; đồng thời xem xét áp dụng mức 10% cho thuế thương mại tối thiểu toàn cầu. Đây không đơn thuần là lời nói suông bởi thực tế ông Trump có rất nhiều quyền hành đối với chính sách thương mại quốc tế nếu nhận thấy việc này ảnh hưởng đến nền kinh tế của Hoa Kỳ.

“Ưu tiên số một của chính quyền Trump 2.0 là cân đối thương mại toàn cầu, không triệt tiêu nhập khẩu bởi điều đó là không thể nhưng sẽ tìm biện pháp giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu với hàng sản xuất nội địa. Đồng thời, việc tăng thuế quan nhập khẩu cũng được xem là nguồn thu bù đắp cho việc giảm thuế trong nước nhằm củng cố sản xuất nội địa. Vì vậy, thách thức mới trên mặt trận thương mại là có thật và sẽ xảy ra," bà Barbara Weisel nhấn mạnh.

Tác động đến Việt Nam

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam tính đến tháng 10/2024, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 111 tỷ USD (tăng 22,5% so với cùng kỳ); trong đó thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 86,5 tỷ USD (tăng 27,4% so với cùng kỳ).

Thông tin từ Tổng cục Thống kê Hoa Kỳ, tính đến tháng 9/2024, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 (cùng kỳ năm 2023 đứng thứ 10) của Hoa Kỳ. Hàng hóa Việt Nam hiện chiếm 4,13% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Bà Barbara Weisel phân tích tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 10 nước nhập khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ. Không chỉ hàng hóa thuần tuý Việt Nam, Hoa Kỳ cũng lo ngại hoạt động chuyển hoá thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh thuế.

Theo dự đoán của bà Barbara Weisel, chính quyền Trump 2.0 sẽ đẩy mạnh các cuộc đàm phán song phương nhằm giảm thâm hụt, hướng đến cân bằng thương mại với các đối tác lớn. Chính phủ mới của Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng chiến lược linh hoạt hơn thay vì tăng thuế đối với một số đối tác. Sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên.

“Về thương mại, Việt Nam nên tăng sức mua từ Hoa Kỳ, kể cả sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhằm giảm sự chênh lệch trong cán cân thương mại song phương. Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ ở các lĩnh vực mà hai bên cũng quan tâm như chuyển đổi năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, huy động nguồn tài chính bền vững nhằm phát huy tối đa mối quan hệ đối tác chiến chiến lược toàn diện” - bà Barbara Weisel khuyến nghị.

Hiện xuất khẩu chiếm đến 90% sản lượng da giày của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó, mọi biến động của thị trường thế giới nói chung, Hoa Kỳ nói riêng đều sẽ tác động rõ nét đến ngành da giày Việt Nam.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, cho biết xuất khẩu giày gia, túi xách Việt Nam năm 2024 đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, năm 2025 dự báo còn nhiều biến động khó lường, thị trường Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump vẫn là một ẩn số. Lo ngại lớn nhất của ngành da giày là Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu, hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Thêm vào đó, nếu Hoa Kỳ áp mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán lại nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc và cảnh giác với tình trạng chuyển tải hàng hóa Trung Quốc, thông qua Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty may 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

“Cơ quan chức năng của Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển tải hàng hóa, doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu bán thành phẩm, hoàn thiện, đóng gói rồi gắn xuất xứ Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ. Đây là hoạt động rất nguy hiểm đối với ngành sản xuất trong nước cũng như quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Chính phủ cũng nên xem xét xúc tiến đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương với Hoa Kỳ tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn giúp doanh nghiệp hai bên yên tâm hợp tác sâu rộng," ông Diệp Thành Kiệt kiến nghị.

Tương tự như da giày, Việt Nam cũng là nhà cung ứng sản phẩm nội thất bằng gỗ lớn nhất của Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Hoa Kỳ hiện chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, nội thất của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là một trong những đối tác lớn cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Do đó, thương mại ngành gỗ Việt Nam-Hoa Kỳ không có nhiều rủi ro. Kể cả khi Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu thì đồ gỗ Việt Nam vẫn có mức thuế thấp hơn đồ gỗ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách cứng rắn của ông Trump như trục xuất người nhập cư bất hợp pháp sẽ khiến lĩnh vực xây dựng, bất động sản của nước này chững lại, tiêu thụ nội thất sẽ chậm hơn. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội từ thương mại điện tử, bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thông sàn thương mại trực tuyến. Để tận dụng cơ hội đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với mạng lưới logistics tại Hoa Kỳ để đáp ứng việc giao hàng nhanh chóng, tăng khả năng cạnh tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục