Dự báo nhu cầu đi lại dịp lễ 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các bến xe khách liên tỉnh dự báo phục vụ bình quân mỗi ngày khoảng 64.400 hành khách đi với 3.059 chuyến xe phục vụ.
Lượng khách cao nhất vẫn là tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) do cự ly tuyến gần. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài, nhu cầu của người dân đi lại qua các bến xe, nhà ga tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể tăng cao so với kỳ nghỉ lễ năm trước.

Các bến xe dự báo lượng khách qua bến tăng khoảng 30% cùng kỳ, tập trung nhiều nhất là hai ngày đầu kỳ nghỉ.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 (từ ngày 26/4 đến 1/5), các bến xe khách liên tỉnh dự báo phục vụ bình quân mỗi ngày khoảng 64.400 hành khách đi với 3.059 chuyến xe phục vụ, tăng 26% lượng hành khách so với cùng kỳ.

Sở đã đề nghị các bến xe triển khai phương án phục vụ hành khách, thường xuyên trao đổi với bến xe đầu tuyến thuộc các tỉnh, thành phố nơi đến để cập nhật tình hình, kịp thời điều động tăng cường xe khi nhu cầu hành khách tăng cao.

Lượng khách cao nhất vẫn là tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) do cự ly tuyến gần, với sản lượng xe tăng hơn 14% và hành khách tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 6 ngày phục vụ lễ, bến xe phục vụ khoảng 272.000 khách. Ngày cao điểm nhất là 27/4 (thứ bảy), hành khách xuất bến có thể đạt 61.300 khách và lượng xe xuất bến 2.100 xe, so với ngày thường sản lượng khách tăng hơn 120% và sản lượng xe tăng hơn 64%.

Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) dự báo khách không tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, cao điểm nhất là hai ngày đầu kỳ nghỉ với khoảng 16.000-17.000 lượt khách xuất bến. Các ngày còn lại lượng khách dao động khoảng 5.000-7.000 khách qua bến.

Trong khi tại Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức), lượng khách cả dịp lễ tăng 27% lượt xe và 37% lượt khách, chủ yếu tập trung vào các tuyến đường ngắn từ Đà Nẵng trở vào. Ngày cao điểm nhất của Bến xe miền Đông mới này là 26/4 (thứ Sáu) với khoảng 340 chuyến xe, hơn 8.100 hành khách qua bến.

Ông Trần Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch vận tải Bến xe miền Đông mới cho biết, bến xe đã đề nghị các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ, bố trí phương tiện hoạt động trên tuyến, phương tiện dự phòng để giải tỏa khách trong trường hợp có biến động tăng.

Các bến xe tại Thành phố Hồ Chí Minh đều khuyến khích các đơn vị vận tải không thực hiện điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian phục vụ lễ. Trường hợp đơn vị vận tải có kê khai điều chỉnh tăng giá cước để bù đắp chi phí khi quay vòng xe thì thời gian dự kiến điều chỉnh tối đa trong hai ngày 26-27/4 và mức tăng không quá 40% so với ngày thường.

Phà Cát Lái nối thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là tuyến cửa ngõ quan trọng cho du khách đi tới Vũng Tàu. Kỳ lễ năm nay, bến phà cũng được dự báo thực hiện bình quân 282 chuyến phà/ngày (tăng 22,6% cùng kỳ) với 65.000 lượt hành khách mỗi ngày (tăng 6%). Trong khi đó, phà Bình Khánh cũng sẽ tăng khoảng 18% số chuyến và 11% lượng khách (32.600 lượt khách/ngày).

Hành khách xếp hàng vào khu vực soi chiếu kiểm tra an ninh tại Sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Lượng khách qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh dự báo tăng khoảng 8% so với năm trước, bình quân 120.000-130.000 hành khách/ngày.

Ga đường sắt Sài Gòn có sản lượng thông qua bình quân khoảng 3.800 lượt hành khách/ngày, tương đương cùng kỳ. Hiện ngành đường sắt cũng đã bổ sung nhiều chuyến tàu chạy dịp lễ; trong đó có phương án tiếp tục tăng chuyến nếu nhu cầu hành khách tăng cao.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để đi đến các tỉnh và ngược lại cũng sẽ tăng cao, nên các cửa ngõ ra vào thành phố dễ xảy ra ùn tắc giao thông trong các ngày đầu và cuối kỳ nghỉ lễ. Sở Giao thông Vận tải sẽ cập nhật thông tin tình hình trên các bảng thông tin giao thông điện tử để người dân biết lựa chọn lộ trình phù hợp.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng sẽ phân luồng giao thông hợp lý, linh hoạt để tránh xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến giao thông trọng điểm, có lưu lượng phương tiện lớn hoặc khu vực đang triển khai thi công dự án như nút giao thông An Phú; giao lộ Phan Thúc Duyên-Trần Quốc Hoàn; nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ; cụm cảng Cát Lái và Trường Thọ.

"Điểm nóng” cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được chú trọng, bởi khu vực này đang rào chắn thi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa tại nút giao Phan Thúc Duyện-Trần Quốc Hoàn. Ngành chức năng sẽ bố trí lực lượng chốt trực điều tiết, phân luồng giao thông tại giao lộ Phan Thúc Duyên-Trần Quốc Hoàn, vòng xoay Lăng Cha Cả, Trường Sơn-ga Quốc nội, Phạm Văn Đồng (đoạn từ đường Trường Sơn đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn), đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục