Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 35 tỷ USD trong năm 2018

Theo đại diện Vinatex, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và xuất khẩu vào các thị trường lớn cũng như thị trường truyền thống đang có những dấu hiệu tích cực.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 35 tỷ USD trong năm 2018 ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và xuất khẩu vào các thị trường lớn cũng như thị trường truyền thống đang có những dấu hiệu tích cực. Đây sẽ là cơ sở để ngành dệt may Việt Nam có thể vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm.

[Ngành dệt may chịu tác động gì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung]

Thông tin thêm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đã đem về 16,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng xuất khẩu mặt hàng may mặc, trong nửa đầu năm ước đạt 12,86 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoài, trong đó các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như xơ sợi tăng 19%, vải địa kỹ thuật tăng 16%, phụ liệu dệt may tăng 19%...

Đáng chú ý, ngay trong quý đầu năm, dù có tháng nghỉ Tết kéo dài, các doanh nghiệp trong ngành đã có nhiều bứt phá, nhờ vậy, quý 1/2018 ngành dệt may Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng từ 17%-18% so với năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may chỉ đạt 10,78 tỷ USD. Như vậy, trong nửa đầu năm 2018, ngành dệt may đạt thặng dự thương mại khoảng 7,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, ông Hiếu cho biết, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Hoa Kỳ, các nước khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

- Biểu đồ xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong 6 tháng đầu năm 2018:

Thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, Mỹ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sản phẩm may mặc của Việt Nam, chiếm 46,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, đạt 6,4 tỷ USD, tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Thị trường Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, chiếm 12,5% trong tổng kim ngạch, đạt 1,7 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Tiếp đến thị trường Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 9,5%, tăng 25,1%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 632,58 triệu USD, chiếm 4,6%, tăng 45,2%.

Với những kết quả như trên, ông Hiếu dự báo cả năm 2018, toàn ngành dệt may có thể đạt con số 35 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục