Dự báo đến 7 gờ ngày 3/7, bão số 1 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới

Từ 19 giờ ngày 2/7 đến 7 giờ ngày 3/7, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là một vùng áp thấp.
Vị trí và đường đi của bão số 1. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 2/7, bão số 1 đã đi vào đất liền khu vực phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Do ảnh hưởng của rìa phía Tây bão số 1, tại đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, tại Phù Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, tại Uông Bí (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8, tại Thái Thụy (Thái Bình) có gió mạnh cấp 6. Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to.

Hồi 19 giờ ngày 2/7, vị trí tâm bão số 1 ở trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão..

Từ 19 giờ ngày 2/7 đến 7 giờ ngày 3/7, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 3/7, bão số 1 ở trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ)..

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy, hải sản trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông đêm 2/7 có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 3 5m, biển động rất mạnh. Tối 2/7, khu vực huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh; phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-3m, biển động rất mạnh. Từ ngày 3/7, gió mạnh do bão số 1 giảm dần. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị-Bình Thuận và khu vực Giữa Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

[Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Cần dự báo chính xác về bão số 1]

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, định vị sét và ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên khu vực các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và đang có xu hướng di chuyển về phía nội thành Hà Nội.

Đêm 2/7, vùng mây đối lưu này có khả năng gây mưa rào và dông cho các quận huyện nội thành của Hà Nội, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Cùng với đó, khu vực các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang tiếp tục có mưa và lan sang các khu vực khác với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các vị trí xung yếu của các huyện: thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Bạch Thông, Na Rì (tỉnh Bắc Kạn); Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên); Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Các huyện như Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn); Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu..

Các tỉnh, thành phố sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình..

Các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục