Từ tháng Bảy đến tháng 12 hằng năm được gọi là thời điểm mùa mưa bão. Mùa mưa bão năm 2021 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định có từ 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông.
Trong số đó, khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam và không ngoại trừ có những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông.
Chủ động dự báo
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết để chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo mùa "mưa bão," Trung tâm triển khai thực hiện Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó tập trung vào việc tăng tần suất, thay đổi giờ phát tin; xây dựng và triển khai công cụ giám sát bão, lũ thời gian thực; cập nhật liên tục vị trí và cường độ từng giờ khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới, lũ khẩn cấp...
Cùng với đó, Trung tâm tăng cường trao đổi với Trung tâm Dự báo bão trong khu vực như: Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc; xây dựng quy trình và tổ chức hội thảo chuyên sâu về dự báo, cảnh báo thiên tai tại Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn; tăng cường kiểm tra, rà soát, đào tạo, tập huấn và cập nhật về công nghệ, các quy định và định hướng chiến lược về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các dự báo viên...
[Từ 12/7-10/8, khả năng xuất hiện khoảng 1-2 xoáy thuận nhiệt đới]
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương tại các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, đặc biệt dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai nhằm cụ thể hóa chiến lược xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động theo định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhằm giảm hơn nữa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng thời, Trung tâm đảm bảo cung cấp số liệu thời gian thực từ radar, vệ tinh nhằm nâng cao chất lượng các bản tin dự báo mưa thời hạn 3 giờ, 6 giờ; đưa số liệu radar vào đồng hóa trong mô hình dự báo số trị nâng cao một bước chất lượng dự báo mưa định lượng hạn dự báo 12 giờ và 24 giờ…; tăng cường năng lực trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nhận chuyển giao hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á và áp dụng trong dự báo nghiệp vụ trong quý 3-4/2021.
Trong dự báo lũ, ngập lụt, Trung tâm chủ động xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt đối với từng cấp mực nước lũ.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức, trên cơ sở đó các đơn vị tăng cường chia sẻ thông tin cho nhau để nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc đã chi tiết hóa dự báo lũ quét, sạt lở đất bằng cách chồng, chập các sản phẩm bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở của Viện Địa chất Khoáng sản tại các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An với 2 cấp mức độ cao và rất cao.
Đồng thời, sử dụng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét 14 tỉnh Bắc Bộ và 19 tỉnh Trung Bộ Tây Nguyên với 2 cấp mức độ cao và rất cao với sản phẩm bản đồ mưa tích lũy 6 giờ đã qua và dự báo 6 giờ tiếp theo để đưa ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện, xã.
Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ
Để thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cũng như ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão đến, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn xây dựng phương án, hệ thống chia sẻ thông tin về thiên tai, bão lũ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hướng dẫn các địa phương cách sử dụng thông tin về sạt lở đã có.
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản hướng dẫn chi tiết đưa lên mạng và gửi văn bản thông báo đến các địa phương triển khai và hướng dẫn địa phương sử dụng hiệu quả thông tin.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh các đơn vị hợp tác trao đổi dữ liệu để những thông tin cảnh báo, dự báo truyền được đến các cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cũng như đến người dân.
Trong mùa "mưa bão" 2021, trước khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra vào tuần cuối tháng Bảy và tuần giữa tháng 8/2021 tại các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ địa phương và người dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý sau mỗi cơn bão, trận lũ, các đơn vị liên quan cần tổ chức rút kinh nghiệm để đề ra biện pháp khắc phục, nhằm hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo.
Trong thực hiện nhiệm vụ, Thứ trưởng Lê Công Thành nêu rõ các đơn vị chủ động giám sát, đánh giá, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra; tăng cường quan trắc sóng và dòng chảy biển bằng ra đa biển phục vụ cảnh báo, dự báo thiên tai.
Các đơn vị cần tăng cường giám sát các hồ chứa đảm bảo thực hiện đúng quy trình, cung cấp thông tin, số liệu về vận hành hồ chứa phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; theo dõi, kịp thời cung cấp ảnh viễn thám phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; cung cấp các loại bản đồ theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...
Đặc biệt, chú trọng việc tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn./.