Chiều 25/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức Hội thảo "Nhìn lại 20 năm bão Linda đổ bộ vào Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm."
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ chia sẻ qua từng cơn bão hay những thiên tai gặp phải cần rút kinh nghiệm, bài học thiết thực, phù hợp. Tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết, lấy tiêu chí đó để chủ động phòng tránh, chủ động thông tin đến người dân và các cấp chính quyền. Các địa phương cần ngày càng hoàn thiện, nâng cao năng lực điều hành, ứng phó kịp thời thiên tai.
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài cho biết cơn bão Linda xảy ra cách đây 20 năm là một trong những bài học lớn trong công tác phòng chống thiên tai. Tiếp thu những kinh nghiệm, bài học của những người làm công tác phòng chống lụt bão đi trước, đứng trước những tác động phức tạp của biến đổi khí hậu, các cơ quan chức năng cần có những kế hoạch, giải pháp hiệu quả, sát thực để chủ động phòng tránh và ứng phó.
Theo ông Đặng Quang Tính, nguyên Cục trưởng đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thiệt hại nặng của bão Linda là do tư duy chủ quan trong phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, chưa có dự báo về cấp độ rủi ro thiên tai, việc quản lý ngư dân và kiểm đếm tàu thuyền chưa tốt (đặc biệt là vùng biển miền Tây), chưa có phân tích sâu sắc quan hệ giữa bão và yếu tố địa hình, vùng miền...
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng thông tin dự báo chính xác về bão giúp cho ngư dân chủ động trú tránh, giảm thiểu thiệt hại. Do vậy, trong những năm gần đây, công tác dự báo bão đã được tăng cường với độ chính xác khá cao, thời gian dự báo trước tới 72 giờ (thời điểm năm 1997 chỉ dự báo trước 24 giờ). Thông tin về diễn biến của bão được truyền kịp thời giúp ngư dân có đủ thời gian để ứng phó.
Công tác kêu gọi tàu thuyền được triển khai quyết liệt, bằng mọi hình thức, phương tiện và kết hợp nhiều bên. Công tác trực ban được tăng cường với các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ nên đã có nhận định sớm trước khi bão hình thành (Windyty.com - trước khoảng bảy ngày) giúp công tác tham mưu được kịp thời. Nhận thức cộng đồng đã từng bước được nâng cao và chủ động phòng tránh nên đã giảm được thiệt hại về người và tài sản. Kết quả là trong những năm gần đây gần như không có thiệt hại về người do bão ở trên biển.
[Phòng chống, giảm nhẹ thiên tai: Cần thay đổi nhận thức và hành động]
Để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả hơn, ông Vũ Xuân Thành nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, trong đó có dự báo bão; nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc tránh trú bão (vẫn còn hiện tượng ngư dân tắt các thiết bị liên lạc, tiếp tục đánh bắt khi đã có lệnh về nơi trú ẩn); đầu tư cơ sở hạ tầng tránh trú tàu thuyền, khôi phục rừng phòng hộ ven biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê điều.
Nhân dịp này, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến cơn bão, nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm và gợi mở những giải pháp trong công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
12 giờ ngày 2/11/1997 tâm bão Linda đi qua phía Nam của Côn Đảo với sức gió cấp 10, giật cấp 11,12. Bão đi vào vùng bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu và đổ bộ vào đất liền với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, cấp 9. Sáng 3/11/1997, bão đi sang vùng biển Cà Mau-Kiên Giang và đi về phía Tây vịnh Thái Lan.
Bão Linda gây thiệt hại của 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ làm 778 người chết, 2.123 người mất tích 1.232 người bị thương, 2.897 tàu bị chìm, 1.856 tàu thuyền bị hư hỏng, 316 tàu thuyền mất tích, 107.892 nhà đổ sập, 204.564 nhà bị hư hại, 1.424 phòng học bị hư hỏng, 5.727 phòng học đổ, sập, 136.334ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ, ngập, 323.050ha diện tích lúa bị ngập hư hại. Thiệt hại vật chất ước tính gần 7.200 tỷ đồng.
Cơn bão Linda đã làm hầu hết các tuyến đê biển của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang bị tràn và hư hại, một số tuyến bị hư hại nặng và bị vỡ nhiều đoạn. Theo thống kê của các tỉnh, chỉ tính riêng về hệ thống đê điều đã có tới hơn 400km đê biển bị tràn và vỡ (cao trình hiện trạng của các tuyến đê phổ biến từ 1,5-2m)./.