Dự báo 80% dân số nước Mỹ sẽ bị thừa cân, béo phì vào năm 2050

Một nghiên cứu mới tại Mỹ dự báo đến năm 2050, gần 260 triệu người dân nước này sẽ bị thừa cân hoặc béo phì, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế.
Một phụ nữ bị mắc bệnh béo phì tại Chicago, bang Illinois, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện tại Mỹ, hiện tại, gần 75% dân số trưởng thành ở nước này đang bị thừa cân hoặc béo phì, và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 80%.

Những phát hiện mới này có ý nghĩa quan trọng và hữu ích trong việc nghiên cứu tình trạng sức khỏe dân số và chi phí y tế khi nước Mỹ đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh liên quan đến cân nặng.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí The Lancet mới đây cho thấy tỷ lệ béo phì và thừa cân ở người trưởng thành Mỹ đang gia tăng với tốc độ ngày càng cao. Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ này đã tăng hơn 40%.

Các tác giả nghiên cứu dự báo rằng nếu không có sự can thiệp tích cực, đến năm 2050 sẽ có tới 260 triệu người Mỹ, tương đương 80% dân số, sẽ bị bị thừa cân và béo phì.

Theo Tố chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân và béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây nguy cơ cho sức khỏe. Người được xác định thừa cân là người có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức 25% và chỉ số BMI từ 30% trở lên được coi là béo phì.

Mặc dù các tác giả của nghiên cứu cho biết BMI có thể không phải là thước đo hoàn hảo để nắm bắt các biến thể về cấu trúc cơ thể trong toàn bộ dân số, nhưng theo quan điểm khoa học, BMI có mối tương quan với các phép đo khác về lượng mỡ cơ thể và là một công cụ thực tế có thể nghiên cứu ở trên quy mô toàn dân.

Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại tình trạng béo phì gia tăng ở những người trẻ tuổi. Hiện tại, gần một nửa số thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-24 và hơn 1/3 số trẻ em nước này đang bị thừa cân hoặc béo phì.

Trẻ em bị mắc bệnh béo phì luyện tập để giảm cân tại Maryland, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trẻ em béo phì có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao và tiểu đường hơn những trẻ có cân nặng khỏe mạnh, đồng thời có nhiều khả năng mắc chứng béo phì khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ béo phì ở phụ nữ Mỹ trong độ tuối từ 15-24 đã tăng nhanh hơn so với nam giới trong giai đoạn 1990-2021.

Đến năm 2050, tỷ lệ béo phì ở phụ nữ vị thành niên và trưởng thành có thể vượt qua nam giới.

Điều này chỉ ra rằng hàng trăm triệu người Mỹ đang phải đối mặt với một số biến chứng sức khỏe, bao gồm tiểu đường, ung thư, các vẫn đề về tim mạch và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Tính riêng trong năm 2021, Mỹ ghi nhận 335.000 ca tử vong do béo phì. Các biến chứng liên quan đến béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tại nước Mỹ tăng 140% trong 30 năm qua.

Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế chung của Đảng Cộng hòa được công bố trong năm nay dự báo tình trạng béo phì sẽ dẫn đến chi phí y tế vượt mức lên tới 9.100 tỷ USD trong 10 năm tới.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị các biện pháp can thiệp nhắm vào các yếu tố thúc đẩy tình trạng béo phì như lượng calo nạp vào quá mức, lối sống ít vận động và các yếu tố kinh tế xã hội, văn hóa và thương mại phức tạp, trầm trọng hơn do các vấn đề như đô thị hóa, hoạt động của ngành công nghiệp thực phẩm và bất bình đẳng có hệ thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục