Dự báo 2025: Các nền kinh tế Đông Nam Á vượt những “cơn gió ngược”

Năm 2025, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ đối mặt với những thách thức lớn nhưng vẫn có thể vượt qua, nhờ vào xuất khẩu mạnh mẽ và chi tiêu vốn công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kỷ niệm 01 năm Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á của Australia. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Năm 2025 được dự báo là năm đầy thách thức đối với các quốc gia Đông Nam Á, khi các nước này tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thế giới đối mặt với suy thoái, nhiều căng thẳng địa chính trị cũng như sự phân mảnh thương mại, đặc biệt là mức thuế quan mới từ Mỹ - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực, những rào cản đang ngày càng rõ rệt, bắt nguồn từ tiêu dùng hộ gia đình chậm lại do số người thuộc tầng lớp trung lưu sụt giảm. Thêm vào đó, một loạt chương trình đầy tham vọng do chính phủ mới thành lập triển khai có thể gây ra những xáo trộn nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính của đất nước.

Trong khi đó, Thái Lan đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế, vốn đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là ở các ngành du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên, mức tiêu dùng trong nước thấp, nợ hộ gia đình gia tăng và tình trạng bất ổn chính trị có thể là những yếu tố cản trở mục tiêu này.

Giới phân tích cho rằng ngay cả Malaysia và Việt Nam – hai quốc gia vốn ghi nhận thành tích kinh tế ấn tượng vào năm 2024, cũng sẽ phải đối mặt với thách thức duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh khó khăn toàn cầu ngày càng tăng.

Ông Piter Abdullah, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Segara nhấn mạnh: "Những thách thức sẽ rất khó khăn… Các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải điều hướng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu cao, trong khi phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng nặng nề không kém."

Rào cản chung mà các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt, đó là việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng một loạt biện pháp để bảo vệ hàng hóa sản xuất từ nước này.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến một cuộc chiến thuế quan. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, chính sách này tiếp tục được mở rộng.

Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến thuế quan mới, các nhà phân tích cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần đa dạng hóa thị trường của mình. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng, khi một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế, trong khi các cường quốc Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với tình trạng giảm phát.

Theo dự báo kinh tế tháng 12/2024 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á tăng từ 4,5% lên 4,7% nhờ xuất khẩu mạnh mẽ và chi tiêu vốn công ở các nền kinh tế lớn. Các quốc gia, trong đó có Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước, lạm phát thấp và đầu tư công bền vững.

Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đầu tư nước ngoài, trong khi các nền kinh tế như Indonesia và Philippines tiếp tục đạt mức tăng trưởng theo dự báo trước đó.

Tuy nhiên, khu vực vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, như căng thẳng địa chính trị, sự phân mảnh thương mại và các thảm họa thời tiết khắc nghiệt như hai cơn bão Yagi (Việt Nam gọi là bão số 3) và bão Trami vừa qua, đặc biệt tác động đến ngành nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Do đó, ADB dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ duy trì ở mức 4,7% trong năm 2025, dù các chính sách của ông Trump có thể gây ảnh hưởng tiêu cực.

Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách thương mại, tài chính và nhập cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và đẩy lạm phát tại các quốc gia châu Á đang phát triển. Tuy nhiên, ABD cho biết những tác động này sẽ không rõ rệt ngay lập tức và sẽ cảm nhận chủ yếu sau năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục