Dự báo 2022: Thuận lợi và bất lợi từ sự chuyển dịch kinh tế Trung Quốc

Khi Trung Quốc chuẩn bị khởi động điều có thể được coi là sự chuyển dịch kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ, thế giới đang đợi chờ xem câu châm ngôn có đúng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng aljazeera.com, người ta vẫn thường nói “Khi Mỹ hắt hơi, cả thế giới bị cảm lạnh.” Giờ đây, khi Trung Quốc chuẩn bị khởi động điều có thể được coi là sự chuyển dịch kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ, thế giới đang đợi chờ xem câu châm ngôn kia có đúng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quốc gia có nhiều giao dịch nhất thế giới hay không.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 8/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh ý định tập trung các ưu tiên kinh tế của Trung Quốc theo hướng mà ông miêu tả là “thịnh vượng chung.”

Cụm từ “thịnh vượng chung” đã trở thành một khẩu hiệu phổ biến trong các tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc và trong các báo cáo do truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải, đề cập đến một nỗ lực tiềm tàng mang tính thay đổi để giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập đã ăn sâu sau khi nước này theo đuổi tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong vòng 4 thập kỷ qua.

Phạm vi cụ thể của chiến dịch vẫn chưa rõ ràng, nhưng sự trừng trị thẳng tay của Bắc Kinh trong năm qua với các ngành công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, bất động sản và trò chơi điện tử đang bùng nổ ở Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với một số lĩnh vực đang phát triển nhanh nhất của nước này.

Cuối năm 2020, Trung Quốc đã chặn Công ty dịch vụ tài chính Ant phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), vốn được cho là IPO lớn nhất từ trước đến nay. Chính phủ đã gây thêm khó khăn cho các nhà phát triển bất động sản đang nợ nần chồng chất trong việc tìm kiếm các khoản vay thêm, trong bối cảnh lo ngại rằng gã khổng lồ bất động sản Evergrande - công ty có khoản nợ vượt quá 300 tỷ USD - có thể sụp đổ và hạ gục lĩnh vực nhà ở.

Bắc Kinh đã cấm các công ty dạy thêm tư nhân hoạt động, lật bỏ một ngành công nghiệp trị giá 120 tỷ USD. Cho đến đầu tháng 12/2021, các thay đổi chính sách đã xóa bỏ 1.500 tỷ USD tổng giá trị chứng khoán.

Giới phân tích cho rằng một loạt nền kinh tế đang nổi khác - từ những nền kinh tế cung cấp các nguyên liệu thô cho Trung Quốc đến những nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư của Bắc Kinh - có thể cũng đang lo sợ.

[Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây thêm trở ngại cho kinh tế toàn cầu]

Trả lời Al Jazeera, Michael Pettis, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua và là giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, khẳng định: “Điều này sẽ có những tác động bên ngoài khá lớn. Chúng có thể kéo dài trong nhiều năm tới."

Nhu cầu giảm sút

Trung Quốc có số lượng tỷ phú nhiều nhất thế giới, nhưng khoảng 600 triệu người dân sống với thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ khoảng 1.600 USD.

Pettis cho rằng một sự tái cân bằng ở Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ dẫn đến “tốc độ tăng trưởng chậm hơn” trong quá trình chuyển đổi. Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu đối với năng lượng và khoáng chất.

Ryan Hass, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định: “Các nhà xuất khẩu phụ thuộc vào hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự chuyển dịch của Trung Quốc và các quốc gia có nguồn cung đa dạng hóa hơn có thể sẽ vượt qua sự chuyển đổi này với ít tác động hơn.”

Nga - nước xuất khẩu lượng dầu trị giá 23,8 tỷ USD sang Trung Quốc, cho đến nay là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của nước này - có thể chịu tác động đặc biệt nặng nề, đặc biệt khi các lệnh trừng phạt của phương Tây hạn chế hoạt động thương mại của Moskva với các quốc gia khác trong các lĩnh vực như công nghệ quốc phòng.

Angola, quốc gia bán 70% lượng dầu thô của họ cho Trung Quốc và Brazil - nước vận chuyển gần 64% lượng dầu của họ sang Trung Quốc - khả năng cao cũng chịu thiệt hại lớn. Ngược lại, các quốc gia như Saudi Arabia và Iraq, vốn chỉ xuất khẩu khoảng 1/4 lượng dầu của họ sang Trung Quốc, sẽ ít bị thiệt hại hơn bởi vì hai quốc gia này không bị phụ thuộc nhiều vào một người mua duy nhất.

Nhưng Kazakhstan, quốc gia bán 47% lượng khí đốt của họ cho Bắc Kinh và Indonesia, quốc gia bán than, khí đốt và dầu cọ cho Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ - chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Một bên hưởng lợi bất ngờ có thể là Iran - quốc gia bán dầu với mức giá trợ cấp cho Trung Quốc - một đề xuất hấp dẫn đối với Bắc Kinh nếu cải cách của Trung Quốc làm chậm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, hiện cũng có những mặt hàng khác là trọng tâm của ngành công nghiệp hiện đại.

Australia xuất khẩu hơn 85% quặng sắt của mình sang Trung Quốc - một sự phụ thuộc có thể khiến một quốc gia dễ bị tổn thương trước những lời đe dọa và cám dỗ khi nhu cầu bị siết chặt.

Khai thác quặng sắt ở Australia. (Nguồn: Reuters)

Trả lời Al Jazeera, Hass cho rằng do Australia có “nhiều nguồn thu khác” ngoài sắt, nên quốc gia này có thể chịu được áp lực phải tuân theo các yêu cầu của Trung Quốc trong thời điểm quan hệ Canberra-Bắc Kinh đang ở mức thấp. Tuy nhiên, Brazil và Nam Phi, những quốc gia có nền kinh tế lâu nay phụ thuộc vào thị trường hàng hóa toàn cầu, có thể gặp khó khăn hơn - Brazil bán 59% và Nam Phi bán 52% quặng sắt của họ cho Trung Quốc.

Thị trường toàn cầu của các khoáng sản khác cũng có thể gặp gián đoạn. Chile, nước xuất khẩu đồng lớn nhất, bán 52% lượng đồng của họ cho Trung Quốc. Peru, một nhà sản xuất chủ chốt khác, thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào gã khổng lồ Đông Á - 68% lượng đồng của nước này được chuyển đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, những con số này khá nhạt nhòa so với sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp coban.

Cộng hòa Dân chủ Congo là nhà sản xuất coban lớn nhất thế giới, là thành phần chính trong pin lithium ion. 98% lượng coban của Congo được chuyển đến Trung Quốc. Theo Hass, “các quốc gia giàu tài nguyên của châu Phi có thể phải chịu tác động mạnh mẽ nhất.”

“Tốt cho thế giới”?

Nếu một nền kinh tế chùng xuống dẫn đến việc người tiêu dùng Trung Quốc mua ít hàng điện tử hơn, điều này có thể gây nên sự lo lắng ở các nước láng giềng như Malaysia, Việt Nam, Đài Loan và Philippines. Các quốc gia này là những nguồn chính cung cấp mạch tích hợp và các bộ phận khác vận hành mọi thứ từ điện thoại thông minh đến TV.

Việc ban hành các quy định mới gần đây đối với nhiều ngành công nghiệp có thể sẽ làm giảm đầu tư nước ngoài mới vào Trung Quốc.

Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nói: “Nếu chính phủ Trung Quốc tạo ra một môi trường không chắc chắn, điều đó có thể ngăn cản các khoản đầu tư trong ngắn hạn.”

Nếu chiến dịch thịnh vượng chung thành công trong việc giảm bất bình đẳng kinh tế, điều đó sẽ làm tăng tiêu dùng trong nước vì sức chi tiêu của người dân bình thường sẽ tăng lên.

Trả lời Al Jazeera, Hofman nói: “Trung Quốc sẽ là một xã hội dựa vào tiêu dùng. Nhưng điều đó có nghĩa là tiết kiệm ít hơn. Và chính những khoản tiết kiệm đó lẽ ra sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư ra nước ngoài lại bị giảm sút.”

Từ Ethiopia đến Ai Cập và Việt Nam đến Venezuela, các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể sẽ gặp phải một cú sốc nặng nề. Tuy nhiên, sự chuyển dịch nền kinh tế của Trung Quốc không nhất thiết mang bất lợi đối với hầu hết thế giới về lâu dài.

Tiêu dùng nội địa tăng sẽ dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu năng lượng và khoáng sản, do đó các nền kinh tế như Nam Phi, Brazil và Chile đang bị ảnh hưởng sẽ thấy xuất khẩu của họ sang Trung Quốc được phục hồi.

Theo Pettis, nếu sự tập trung vào nền kinh tế trong nước dẫn đến việc thu hẹp khoảng cách nhập khẩu-xuất khẩu, điều này sẽ khắc phục đáng kể sự mất cân bằng của nền kinh tế toàn cầu. Ông Pettis khẳng định: “Điều này sẽ tốt cho thế giới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục