Kinh tế Anh được đánh giá tăng trưởng khả quan hơn dự báo kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua về việc London ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, song các thị trường dường như vẫn chưa hết lo ngại về triển vọng đàm phán song phương liên quan đến tiến trình này.
Rời khỏi EU được coi là quyết định lịch sử đối với nước Anh và tác động của Brexit đối với kinh tế xứ sở sương mù trong tương lai đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) vừa công bố đã phát đi tín hiệu lạc quan cho thấy kinh tế Anh tăng trưởng 0,6% trong quý 3 vừa qua, cao hơn dự báo đưa ra trước đó, nhờ nhu cầu tiêu dùng và lĩnh vực tiêu dùng khởi sắc.
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond là người ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch Brexit dài hơi, tức tiến trình rời EU có thể kéo dài hơn thời gian 2 năm như dự kiến, nhằm tránh sự gián đoạn cũng như giảm bớt rủi ro cho kinh tế nước nhà.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng nền tảng của nước Anh vững mạnh và dù theo bất cứ kịch bản Brexit nào, kinh tế Anh vẫn có thể đảm bảo một tương lai phát triển thịnh vượng.
Trong khi đó, các thị trường tài chính có vẻ không được lạc quan như vậy. Tuy nước Anh không rơi vào suy thoái kinh tế như các nhà phân tích cảnh báo, nhưng giới tài chính dường như chưa thể lạc quan với triển vọng kinh tế Anh năm 2017.
Trong báo cáo công bố giữa tháng 12 vừa qua, Phòng Thương mại Anh nhận định rằng mặc dù kinh tế nước này sẽ tránh được suy thoái, song khó tránh được suy giảm đà tăng trưởng, do đồng bảng suy yếu sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng lên, kéo lạm phát tăng và khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút đáng kể.
Thêm vào đó, những bất ổn xoay quanh vị trí của Anh tại châu Âu trong tương lai sau Brexit cũng là một nhân tố gây sức ép bất lợi lên tăng trưởng kinh tế.
Giới phân tích tại Anh đưa ra cảnh báo rằng chính sách của Thủ tướng Anh Theresa May có thể khiến nền kinh tế xứ sở sương mù phải trả giá bằng việc không còn là thành viên Khu vực Thị trường chung châu Âu.
Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng Sáu năm nay, giá đồng bảng Anh đã giảm khoảng 17% so với USD.
Theo giáo sư tài chính Charles Goodhart thuộc Đại học Kinh tế và Chính trị London (LSE), cũng từng là cựu quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), thực tế này phản ánh quan điểm của các nhà đầu tư về khả năng nền kinh tế Anh sẽ đi xuống.
Đồng bảng đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua sau khi nước Anh chọn "chia tay" EU.
Sức ép lên đồng tiền này gia tăng sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3/2017 khởi động tiến trình đưa Anh rời "mái nhà chung" châu Âu.
Dường như thị trường đang chuẩn bị cho một đợt mất giá mới của đồng nội tệ Anh, nhiều khả năng sẽ xảy ra ngay khi bà May chính thức kích hoạt Điều 50 nói trên.
Thị trường trái phiếu của Chính phủ Anh cũng trải qua không ít sóng gió.
Chiều hướng lạm phát gia tăng tại các nền kinh tế phát triển cộng với việc đồng bảng Anh mất giá càng đẩy trái phiếu của Anh rơi vào tình thế bất lợi. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Anh vẫn không thể bứt phá mặc dù các quỹ đầu tư đang rút vốn khỏi thị trường trái phiếu và tăng cường đầu tư vào cổ phiếu.
Đồng bảng Anh mất giá phần nào đã tạo ra "cú hích" tích cực cho các công ty lớn với phần lớn thu nhập từ thị trường nước ngoài.
Dẫu vậy, cổ phiếu các công ty lớn nằm trong chỉ số FTSE 100 cũng như cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn trong chỉ số FTSE 250 đã không thể bắt kịp với nhịp tăng rất mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 12 này.
Ông David Riley - nhà quản lý danh mục đầu tư tại quỹ BlueBay Asset Management, cho rằng giới đầu tư Mỹ đang chuyển dịch cơ cấu danh mục đầu tư từ trái phiếu sang cổ phiếu trên cơ sở dự báo về tăng trưởng và lạm phát cao hơn. Trong khi đó, nước Anh đang đối mặt với tình trạng kinh tế tăng trưởng trì trệ và lạm phát gia tăng.
Đối với các nhà đầu tư, đây là một sự kết hợp bất lợi, bởi cả cổ phiếu và trái phiếu đều không mang lại lợi nhuận cao cho họ.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu các cuộc đàm phán giữa Anh và EU liên quan đến Brexit diễn ra thuận lợi, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh sẽ đạt 1,1% trong năm 2017 (tức chỉ bằng một nửa mức dự báo.
Trong khi đó, lạm phát sẽ vượt qua ngưỡng mục tiêu 2% mà BoE đã đề ra.
Giới đầu tư càng lo lắng hơn cho triển vọng của kinh tế Anh, trong bối cảnh sự hỗ trợ từ phía BoE có thể sẽ không còn được như trước kể từ sau quyết định Brexit.
Trong điều kiện hiện nay, BoE có thể sẽ không tiếp tục mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố sẽ tiếp tục chương trình mua trái phiếu, nhưng với lượng mua hàng tháng sẽ nhỏ hơn trong năm tới.
Trong bối cảnh này, các bên tham gia thị trường khó có thể dự báo trước điều gì sẽ xảy ra trong các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit trong năm tới./.