Dự án xuyên Á trên sông Hồng: "Tất cả mới là ý tưởng ban đầu"

Đại diện cơ quan chức năng khẳng định, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng đang được dư luận quan tâm gần đây thực tế chỉ là ý tưởng ban đầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện cơ quan chức năng khẳng định, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng đang được dư luận quan tâm gần đây thực tế chỉ là ý tưởng ban đầu.

[“Siêu dự án đường thủy kết hợp thủy điện sẽ ‘giết chết’ sông Hồng”]

Nhấn mạnh ý kiến này trong buổi họp báo Chính phủ tối 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, dự án đã nhận được sự đồng thuận khá cao từ các bộ, ngành.

Tuy nhiên, theo ông, sự đồng thuận ở đây chỉ là nhất trí báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu dự án. Ông khẳng định, muốn đầu tư được thì dự án phải trải qua các bước khác như phê duyệt đề xuất, tổ chức báo cáo nghiên cứu khả thi.

"Ta ủng hộ sáng kiến của nhà đầu tư nhưng đề xuất sáng kiến không có nghĩa là được lựa chọn," đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng.

Ông Tự khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư phải dựa trên Luật Đấu thầu. Ngoài ra, cũng theo ông, dự án "chắc chắn ảnh hưởng tới môi trường nhưng quá trình ảnh hưởng ra sao khi nạo vét, xây thủy điện thì phải đánh giá ở bước lập báo cáo đánh giá khả thi."

Tuy vậy, vị đại diện này cũng bày tỏ, dự án ảnh hưởng nhiều tới châu thổ đồng bằng sông Hồng và cần nghiên cứu kỹ về thủy văn, thủy lợi cũng như sự xói lở hai bên bờ sông. Ngoài ra, đập dâng nước có thể xây dựng ở đâu, việc mua bán điện như thế nào, tất cả theo ông đều đang bỏ ngỏ vì tất cả chỉ là ý tưởng, đề xuất.

[Giới khoa học e ngại với dự án thủy điện "chặt khúc sông Hồng"]

Trước đó, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện (Ninh Bình) đề xuất theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).

Một trong những mục tiêu của dự án là nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng an toàn, thông suốt, cung cấp được lượng điện năng đáng kể, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy diện nhỏ cung cấp điện lượng khoảng 912 triệu KWh/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng muốn xây dựng 7 cảng dọc tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 30% tổng vốn, còn lại 70% là vốn vay thương mại.

Nguồn thu chính của dự án theo tính toán sẽ từ bán điện, thu phí luồng tuyến trên từng đoạn và thu từ khai thác cảng trong đó riêng giá bán điện dự kiến ở 1.900 đồng/KWh và có lộ trình tăng giá theo thời gian./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục