'Dự án tham vọng nhất' của Trung Quốc và những thách thức

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến cỗ máy kinh tế toàn cầu ngừng lại và tác động đến dự án tham vọng nhất mọi thời đại của Trung Quốc - Vành đai và Con đường (BRI).
'Dự án tham vọng nhất' của Trung Quốc và những thách thức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: YouTube)

Trung Quốc thường được biết đến với các dự án đầy tham vọng và sáng kiến "Vành đai và Con đường (BRI)" đã vượt lên trên tất cả các dự án trong lịch sử hiện đại của quốc gia này.

Tại thời điểm công bố vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi đây là “Dự án thế kỷ.”

BRI là hiện thân cho tham vọng hồi sinh Con đường Tơ lụa - tuyến đường giao thương cổ xưa kết nối Trung Quốc với khu vực Địa Trung Hải qua lục địa Á-Âu.

BRI nhằm tăng cường kết nối Trung Quốc với thế giới, bao trùm lên một khu vực địa lý rộng lớn với các dự án cũ và mới, củng cố các hạ tầng “cứng,” hạ tầng “mềm” và các mối quan hệ văn hóa.

Mục đích cuối cùng của Bắc Kinh là kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua các mạng lưới đường bộ, đường biển nhằm tăng cường hội nhập khu vực, gia tăng thương mại và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến cỗ máy kinh tế toàn cầu ngừng lại, làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ này. Cùng với đó, đại dịch cũng đang tác động đến dự án tham vọng nhất mọi thời đại của Trung Quốc.

Rắc rối xung quanh BRI

Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 nổ ra, đã có sự hoài nghi về BRI tại nhiều quốc gia. Hầu hết các dự án BRI được triển khai tại những quốc gia có xếp hạng tín nhiệm ở mức “rác” (trái phiếu có rủi ro vỡ nợ cao).

Báo cáo của Ủy ban kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) được công bố năm 2017 cho thấy các dự án hạ tầng do Trung Quốc tài trợ này là không khả thi, bởi các dự án này được xây dựng dựa trên các khoản vay lãi suất cao khiến các nền kinh tế nhỏ rơi vào bẫy nợ.

[Tác động của dịch COVID-19 đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường"]

Vay nợ từ Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính sẽ vượt 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở một số quốc gia.

Điều đó tạo ra nhận thức chung rằng các dự án này hoàn toàn không phải là cơ hội phát triển mà là công cụ của Trung Quốc nhằm thâu tóm ảnh hưởng. Tuy nhiên, những tin đồn gần đây về sự sụp đổ của BRI lại có liên hệ với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, xuất phát từ lệnh phong tỏa và tình hình kinh tế trong nước của Trung Quốc.

Thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau đại dịch và tình hình sẽ phụ thuộc vào hiệu quả xử lý khủng hoảng của các chính phủ. Các cường quốc thế giới phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19 và các chiến lược kinh tế xã hội nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là chưa đủ.

Do đó, các chuyên gia đều dự đoán rằng sẽ có thay đổi, thậm chí là một cuộc đại tu toàn diện trật tự thế giới và dự án uy tín nhất của Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thế giới đã nhìn thấy mặt tối và nguy cơ đối với liên kết toàn cầu. Nhiều khả năng chủ nghĩa bảo hộ sẽ gia tăng trong thời gian tới trong khi sự lây lan của đại dịch COVID-19 sẽ ngăn cản toàn cầu hóa và làm thay đổi vị thế giữa các quốc gia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu có thể suy giảm tới 3% trong năm 2020, trong khi Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng COVID-19 sẽ khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 30-40%.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối sẽ giảm 20%, trong khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh.

Ngay cả trước khi diễn ra đại dịch, toàn cầu hóa đã rơi vào tình trạng rối loạn do sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy và các chính sách bảo hộ trên toàn thế giới.

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã khiến các đường biên giới nội địa và quốc tế bị phong tỏa trên toàn cầu, khiến lưu lượng người, thương mại, vốn và nhu cầu sự sụt giảm mạnh. Tất cả những điều này hoàn toàn không phải là tin tức tốt lành đối với một dự án lớn như BRI.

Các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao sẽ trở nên tồi tệ hơn do tình hình kinh tế hiện nay. Ví dụ, Pakistan - đối tác lớn của Trung Quốc trong dự án BRI thông qua Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) - được dự báo sẽ thiệt hại 8,2 tỷ USD. Tương tự, nhiều quốc gia khác tiếp tục dễ bị tổn thương và sẽ khó giải quyết các hệ lụy của gánh nặng nợ công.

Dịch bệnh đã phá vỡ các chương trình kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc và khiến các nước khác cảnh giác.

Trung Quốc đã cung cấp đến 42% thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trên toàn cầu trong năm 2018, 60% nguyên liệu thuốc kháng sinh cho Nhật Bản, và một tỷ lệ lớn các loại thuốc chống đông máu cho Italy.

Điều này cũng phơi bày sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và tình hình hiện tại sẽ buộc những nước này giảm sự phụ thuộc trong tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một chu trình cân bằng hơn, ít phụ thuộc vào một nhà xuất khẩu duy nhất.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi nước này ưu tiên dùng hàng trong nước.

Những thách thức nội tại của Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng y tế khi GDP của nước này trong quý 1/2020 sụt giảm tới 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1992.

Cùng với đó, quốc gia này cũng đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp tăng vọt lên mức 6% trong tháng 4/2020.

Theo thống kê, 5 triệu lao động đã bị mất việc làm trong tháng Một và tháng 2/2020. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm nay.

Thậm chí, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã giảm mạnh ngay cả trước khi đại dịch tấn công nước này. Năm 2019, con số này là 68,4 tỷ USD, giảm 41% so với hồi năm 2018.

Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hút sự tham gia của các nước vào chiến lược kết nối đã bị gián đoạn do dịch bệnh bùng phát. Kịch bản toàn cầu và trong nước hiện nay sẽ ảnh hưởng đến việc tài trợ cho các dự án.

Các khoản tài trợ này - vốn chủ yếu đến từ ngân hàng chính sách và các ngân hàng thương mại nhà nước - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Các ngân hàng sẽ cẩn trọng hơn khi phê duyệt các khoản cho vay và tránh rơi vào bẫy tín dụng, đồng thời sẽ lựa chọn các dự án chiến lược hơn để giải ngân trong khuôn khổ BRI.

Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu nối lại hoạt động sản xuất, đồng thời cố gắng trở lại tình trạng bình thường.

Tuy nhiên, với sự suy giảm kinh tế toàn cầu và việc các nhà nhập khẩu hàng hóa lớn của Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với đại dịch COVID 19, thương mại của nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong bối cảnh này, tâm lý ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước hơn là các cam kết ở ngoài nước có khả năng thắng thế và khi đó ưu tiên dành cho BRI sẽ phải đặt sau.

Trong bối cảnh đó, nguồn cung lao động và trang thiết bị của Trung Quốc trên Con đường Tơ lụa cũng đang gặp khó khăn do đại dịch.

Morgan Stanley dự báo tổng kinh phí mà Trung Quốc đổ vào các tuyến đường BRI có thể lên tới 1.200-1.300 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, với tình trạng phong tỏa kinh tế như hiện nay, dự báo này có vẻ xa rời thực tế.

Đối với dự án kết nối 65 quốc gia này, cuộc khủng hoảng COVID-19 chắc chắn đã khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Một khi tình hình kinh tế toàn cầu được cải thiện, BRI có thể được tái khởi động. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 đã khiến “Giấc mơ của Trung Quốc” bị gác lại.

Tại sao BRI sẽ không "lụi tàn"?

Với quy mô rộng lớn, BRI có liên quan đến 138 quốc gia (vào năm 2019), chiếm khoảng 61% tổng dân số của thế giới với GDP lên tới 29.000 tỷ USD.

Đại dịch COVID-19 chắc chắn khiến mọi thứ trở nên khó khăn, song nếu cho rằng Trung Quốc sẽ để mặc BRI “chết yểu” là nhận định sai lầm.

Chưa bao giờ Trung Quốc hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay. BRI là dự án chính sách đối ngoại chiến lược quan trọng nhất của Bắc Kinh và là biểu tượng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của quốc gia này.

Với BRI, Trung Quốc đang nỗ lực giành lấy các đòn bẩy kinh tế và chính trị nhằm khẳng định sự hiện diện của mình không chỉ với tư cách bá chủ khu vực mà còn là nhà lãnh đạo toàn cầu trong một trật tự thế giới đa cực mới.

Quan điểm chính thức của Bắc Kinh là COVID-19 sẽ tác động tạm thời lên BRI và nhiều khả năng dự án này sẽ được nối lại sau khi đại dịch kết thúc.

Hiện Trung Quốc đã đang tân trang lại BRI. Họ thúc đẩy các dự án như Tuyến đường tơ lụa y tế (HSR) và Tuyến đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) trong khuôn khổ BRI.

Bắc Kinh cũng nỗ lực bổ sung các khía cạnh phi vật chất cho BRI nhằm lấy lại niềm tin đã mất của các quốc gia.

Các nước trên toàn thế giới đang phụ thuộc vào các ứng dụng giám sát nhằm theo dấu các ca lây nhiễm COVID-19 của Trung Quốc.

Ngoài ra, đại dịch đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế và mô hình tiêu dùng trực tuyến. Điều này có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại trong giai đoạn hậu đại dịch, qua đó tạo cơ hội cho DSR nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa.

Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu PPE lớn và nước này đang thúc đẩy “ngoại giao khẩu trang” thông qua việc viện trợ dụng cụ bảo hộ, máy thở, bộ xét nghiệm và các trang thiết bị vật tư y tế khác cho các quốc gia.

Tuy nhiên, đã xuất hiện các khiếu nại về chất lượng trang thiết bị y tế của nước này hỗ trợ cho một số quốc gia. Trung Quốc đã cam kết tài trợ 50 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tuyên bố sẽ làm “mọi thứ có thể” để hỗ trợ các quốc gia khác.

HSR đã được triển khai từ năm 2016, song hiện là thời điểm thích hợp để Bắc Kinh nhận thức đầy đủ về tác dụng tiềm tàng và thúc đẩy xa hơn nữa.

Đây cũng là thời điểm tốt nhất để Bắc Kinh sử dụng chính sách ngoại giao quyền lực mềm cho tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Kịch bản trong dài hạn?

Trong viễn cảnh dài hạn, tình hình hiện tại sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Đại dịch sẽ kết thúc, các nền kinh tế muốn phát triển và đầu tư vào hạ tầng vật chất trong nước và BRI sẽ được tái khởi động.

Các chuyên gia cho rằng họ cần phải hành động vượt ra ngoài khuôn khổ tuyên truyền và thực hiện các bước đi cụ thể, táo bạo hơn nhằm đưa ra một phiên bản BRI mới và tốt hơn trong giai đoạn hậu COVID-19.

Cùng với đó, Trung Quốc cần xem xét các đề xuất đã được mong chờ từ lâu và giải quyết chúng.

Điều đầu tiên cần làm là xác định rõ BRI vì hiện Trung Quốc chưa công bố định nghĩa chính thức hoặc các bộ phận hợp thành dự án này.

BRI không thể là tất cả mọi thứ, một định nghĩa đúng đắn sẽ cho phép nó thu hẹp mục tiêu và tập trung hơn.

Trong khi đó, các cải cách chính sách lớn được đề xuất trong báo cáo “Vành đai và con đường kinh tế” của WB cũng cần được giải quyết.

Một trong những cải cách chính sách quan trọng nhất được WB đề xuất là “đa phương hóa” BRI và chuyển từ việc tập trung vào Trung Quốc sang bao trùm hơn. Sự minh bạch là điều cần thiết ở tất cả các cấp, từ lập kế hoạch dự án đến tài chính, mua sắm và báo cáo công khai về mức nợ.

Hiện nguồn quỹ dành cho các dự án chủ yếu được các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại Trung Quốc tài trợ.

'Dự án tham vọng nhất' của Trung Quốc và những thách thức ảnh 2Công nhân làm việc tại một nhà máy ở tình Hồ Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX)

Các nguồn quỹ này cần được đa dạng hóa và cố gắng kết nối với các tổ chức quốc tế như IMF, WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng phát triển mới (NDB) của BRICS…

Cho tới nay, tất cả dự án BRI đều là của Trung Quốc, từ nguồn tài trợ, nguyên vật liệu đến lao động. Do đó, việc đa dạng hóa BRI sẽ tạo thêm cơ hội cho các nước khác tham gia.

Trong khi đó, việc luân chuyển lao động mạnh mẽ hơn có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Để tăng hiệu quả và chất lượng của các dự án BRI, việc xem xét phát triển các “dự án thí điểm” với nước sở tại cũng cần được lưu ý.

Điều này cho phép họ kiểm tra các chính sách quy mô nhỏ trước khi nhân rộng những thay đổi cần thiết và các bài học kinh nghiệm.

Trung Quốc cần giúp các nước sở tại thúc đẩy và khuyến khích các cộng đồng địa phương, đồng thời cung cấp cơ hội việc làm cho thị trường lao động nội địa, khiến người dân các nước sở tại dễ chấp nhận BRI hơn. Điều này sẽ giúp các dự án đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội lâu dài tại các quốc gia và tăng tính chính đáng cho BRI.

Cùng với đó, các cải cách khác không kém tham vọng là từ phía các nước tham gia BRI. Theo đó, các nước này cần quan tâm hơn tới việc tăng cường các tiêu chuẩn môi trường và tính minh bạch xung quanh những hợp đồng mua sắm công khai của chính phủ. Đây là những bước đi quan trọng nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia và xây dựng lòng tin của công chúng.

Đây là những bước đi quan trọng đầu tiên cần phải được thực hiện để thu hút sự tin tưởng của các quốc gia vốn rất quan trọng cho tương lai của BRI. Việc sử dụng sức mạnh mềm một cách hiệu quả có thể mở đường cho sự tham gia tự nguyện của các nước vào BRI và giúp giấc mơ của Trung Quốc trở thành hiện thực.

Nhìn vào điều kiện kinh tế hiện tại, một dự án như BRI có thể giúp kích thích kinh tế thế giới - điều vốn rất cần trong giai đoạn hậu COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục