Được sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDS), từ tháng 5/2011 đến tháng 5/2015, tỉnh miền núi Hòa Bình triển khai thực hiện dự án “Chương trình cải thiện cung cấp dịch vụ công trong Nông nghiệp (PSARD) có tổng nguồn vốn gần 9 triệu USD.
Trong số đó, nguồn vốn từ SDC là trên 5.8 triệu USD, chiếm 65% và phần còn lại là vốn đối ứng của tỉnh. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, dự án này đã chuẩn bị cán đích, đem lại hiệu quả “kép” cho cả người dân lẫn cán bộ địa phương.
Mục tiêu của dự án là góp phần vào việc nhân rộng công tác lập kế hoạch có sự tham gia, phân cấp quản lý tài chính và cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ra cấp độ toàn huyện và toàn tỉnh; nhằm giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở các vùng khó khăn của tỉnh Hòa Bình.
Ông Samuel Waelty, Giám đốc Văn phòng Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ tại Việt Nam (SDC) đánh giá trong bối cảnh ngân sách đầu tư công liên tục phải cắt giảm, tỉnh Hòa Bình đã cố gắng phân bổ đầy đủ nguồn vốn đối ứng để thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án như đã cam kết, đảm bảo tiến độ chung. Các dịch vụ công dựa vào nhu cầu có chất lượng sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập một cách bền vững ở các địa phương thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng cho biết dự án đã triển khai lập kế hoạch chi tiết hàng năm và 5 năm. Các cấp cơ sở đã tổ chức 2.350 cuộc họp thôn với 85% số hộ tham gia để xác định nhu cầu đầu tư thiết thực; đồng thời, triển khai đầu tư tại 87 xã không thuộc diện chương trình 135, xã có dự án giảm nghèo với bình quân từ 200-300 triệu đồng/xã/năm.
Ngoài ra, Dự án PSARD-HB còn triển khai tập huấn nâng cao năng lực quản lý tài chính, triển khai lớp học hiện trường, thành lập điểm dịch vụ thú y, tổ bảo vệ thực vật cho cán bộ tỉnh, huyện, xã và nông dân tại 210 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Quản đốc Ban quản lý Dự án PSARD tỉnh Hòa Bình, tham gia dự án này, người dân được bày tỏ mong muốn và quyết định trong việc sử dụng quỹ, đề xuất hỗ trợ các mô hình cơ sở hạ tầng hay phát triển kinh tế gia đình.
Dự án còn thể hiện sự minh bạch trong quản lý tài chính để người dân có trách nhiệm thực hiện và nhiệt tình tham gia nhất là trong việc xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương.
Thông qua các lớp tập huấn và cung cấp Sổ tay hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, năng lực quản lý tài chính của cán bộ xã được cải thiện như biết sử dụng phầm mềm kế toán, phần mềm quản lý ngân sách;100% cán bộ tài chính và địa chính xã có khả năng thực hiện tốt quy trình lập dự toán các công trình cơ sở hạ tầng nhỏ và 60% có khả năng quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả./.