Dự án nhà máy điện Mặt Trời ở Phú Yên có nguy cơ chậm tiến độ

Vì một số hộ dân không đồng ý cho kéo đường dây điện qua một cột điện để dẫn về trạm biến áp 110kV nên có thể dự án sẽ không đạt được tiến độ đề ra.
Dự án nhà máy điện Mặt Trời ở Phú Yên có nguy cơ chậm tiến độ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhà máy điện Mặt Trời Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) là dự án dự kiến được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989-1/7/2019).

Theo cam kết của chủ đầu tư với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, hai dự án nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành và hòa lưới điện quốc gia chậm nhất ngày 30/6/2019.

Tuy nhiên chỉ vì một số hộ dân không đồng ý cho kéo đường dây điện qua một cột điện để dẫn về trạm biến áp 110kV nên có thể dự án sẽ không đạt được tiến độ đề ra.

Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 có tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 120ha. Mỗi nhà máy có công suất thiết kế hơn 49,6 MW, sản lượng điện khoảng 76,2 triệu kW/h/năm. Chủ đầu tư của hai nhà máy là Công ty cổ phần Quang điện Phú Khánh.

Dự án được khởi công vào ngày 8/1 và đến nay việc lắp đặt các tấm pin năng lượng đã cơ bản được hoàn thành. Hệ thống điều khiển và các thiết bị kỹ thuật đấu nối với trạm biến áp 110kV ở huyện Tuy An đã được lắp đặt và kiểm tra đạt yêu cầu sẵn sàng hòa lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên việc thi công hạng mục đường dây dẫn từ 2 nhà máy về trạm biến áp 110kV gặp khó khăn khi có 4 hộ dân không đồng ý cho đường dây điện đi qua phần đất nhà mình. Vị trí này ở khoảng trụ T5 đến T7 thuộc địa phận khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An và khoảng cách chỉ là hơn 100m.

Các hộ gia đình không đồng ý để chủ đầu tư thi công dây dẫn điện gồm bà Đoàn Thị Hương, ông Đặng Kim Sơn, ông Đặng Kim Lộc và bà Đặng Thị Hồng.

Đại diện cho 4 hộ trên, ông Đặng Kim Sơn cho rằng: "Khi đường dây đi qua ảnh hưởng rất lớn đến con cháu sau này. Nhà, đất từ năm 1975 được ông bà để lại nên bây giờ chúng tôi giữ đất tổ tiên. Trước đây gia đình tôi cũng đã cống hiến đất để làm con mương dẫn thủy nhằm tăng vụ (sản xuất lúa) hơn 1.000m2.

Sau đó, hiến đất cho Nhà nước mở đường. Bây giờ gia đình chúng tôi còn diện tích đất này nên phải giữ đất ông bà. Tôi không đồng ý nhận bồi thường từ dự án. Nguyện vọng của gia đình tôi là di dời trụ điện và đường dây ra phía sau. Theo tôi tìm hiểu qua sách báo, đường dây điện đi qua ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Bên cạnh đó, khi có mưa lũ có khả năng đứt dây lúc nào cũng chẳng biết.”

Theo báo cáo số 119/BC-UBND do ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An ký ngày 20/5/2019 nêu rõ: Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An tổ chức trực tiếp đối thoại với các hộ nêu trên, có mời các thành phần tham dự gồm Sở Công Thương, Sở Xây dựng, các Ban của Hội đồng Nhân dân huyện Tuy An, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tuy An, các hội đoàn thể của huyện, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân thị trấn Chí Thạnh và đại diện chủ đầu tư. Nhưng qua hai lần mời đối thoại (ngày 16/5/2019 và ngày 17/5/2019) cả 4 hộ này không đến dự.

Đối với 4 hộ nêu trên, Ủy ban Nhân dân huyện và các đoàn thể của huyện đã tổ chức vận động, đối thoại nhưng các hộ không phối hợp, cố tình trì hoãn kéo dài việc bồi thường, không cho thực hiện dự án. Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An xét thấy việc kéo đường dây điện đi qua không phải tháo dỡ công trình, vật kiến trúc; không phải chặt bỏ cây cối, hoa màu dưới hành lang tuyến nên cần thiết phải hỗ trợ thi công để đảm bảo tiến độ dự án.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An cho biết thêm vị trí trồng trụ điện đã có quy hoạch từ trước bởi đây là một lòng suối và dải cây xanh chứ không phải là khu dân cư. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã có phê duyệt hướng tuyến của đường dây điện và nằm trong quy hoạch. Qua kiểm tra, địa phương đã làm hết mọi điều kiện, mời các hộ dân đối thoại và vận động bằng nhiều cách. Kể cả các hộ dân có đơn khiếu nại khẩn cấp, tỉnh cũng đã trả lời đơn thư đầy đủ.

Một lý do nữa được 4 hộ dân đưa ra để không đồng ý cho chủ đầu tư thi công đường dây điện là do dây điện đi qua sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo hồ sơ kỹ thuật của đơn vị thi công và chủ đầu tư cung cấp, giải pháp kỹ thuật lúc đầu chiều cao cột điện là 19m, sau khi có kiến nghị của các hộ dân, chiều cao cột đã điều chỉnh tăng lên 4m, tức là 23m. Chiều cao này đảm bảo khoảng cách từ mái nhà hiện hữu của các hộ gia đình đến mặt võng phía dưới của đường dây điện là 15,5m.

Ông Lê Minh Trung, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, đối với đường dây đấu nối từ dự án điện mặt trời về trạm biến áp, Cục Điều tiết điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã thẩm định thiết kế cơ sở. Các đơn vị thiết kế và thi công đều tuân thủ quy chuẩn của Điện lực Việt Nam và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.

Theo các quy định, chiều cao tối thiểu của đường dây điện 110kV đi qua khu vực dân cư có mặt võng dây với mặt đất là 15m. Ở đây các hạng mục dường dây được thiết kế so với mái nhà hiện hữu là 15,5m. Như vậy đảm bảo an toàn điện cho khu vực dân cư.

Tại huyện Tuy An có 101 hộ bị ảnh khi thi công các hạng mục của nhà máy điện Mặt Trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2. Đến nay đã có 97 hộ đã phối hợp kiểm đếm, lập hồ sơ và thông qua dự thảo đề bù. Chỉ còn lại 4 hộ dân không đồng ý cho kéo đường đây điện đi qua phần đất nhà mình. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Quang điện Phú Khánh mong muốn có được sự hợp tác của các hộ dân, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc, Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Quang điện Phú Khánh bày tỏ kể từ khi khởi công xây dựng nhà máy, công ty đã rất nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ theo cam kết với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên.

Đến nay khối lượng công việc đã đạt đến 90% thì lại gặp khó. Khi xây dựng hệ thống cột và đường dây, chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công đã khảo sát kỹ để tránh quy hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, hướng tuyến đường dây này đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chính quyền địa phương phê duyệt. Điều mong mỏi nhất là có được sự hợp tác của người dân và sự hỗ trợ thi công của các cơ quan chức năng tại địa phương. Có như vậy, dự án mới có thể hòa lưới điện quốc gia theo đúng tiến độ đã cam kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục