Dự án nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ khởi công ngày 28/2. Nhóm phóng viên Báo Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông về việc triển khai dự án này.
TTXVN trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn:
- Thưa ông, có những ý kiến cho rằng dự án có nguy cơ gây tác động xấu về môi trường, xã hội và hiệu quả về mặt kinh tế thấp. Đến nay, chủ đầu tư đã cam kết bảo đảm an toàn về môi trường và hiệu quả kinh tế như thế nào?
Ông Trần Quốc Huy: Khi trình với Chính phủ, chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu, tư vấn đều đặt yêu cầu là phải đảm bảo được các yếu tố đó. Và nay đã tiến hành xem xét thận trọng, chặt chẽ; dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phân tích hiệu quả kinh tế, Chính phủ thấy được mới cho phép khởi công đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Nhiều góp ý của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và đặc biệt là những ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ đã được chủ đầu tư và các Bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn tiếp thu, thực hiện thẩm định các yếu tố về hiệu quả kinh tế và tác động của việc khai thác bauxite, sản xuất alumin.
Bộ Tài nguyên-Môi trường đã lập một hội đồng khoa học để thẩm định trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và Bộ Công Thương cũng lập một hội đồng khoa học để đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế.
- Thưa ông, khi dự án sắp khởi công, còn điều gì ông cảm thấy băn khoăn?
Ông Trần Quốc Huy: Mọi dự án muốn phát triển bền vững, hợp lòng dân thì đòi hỏi phải hướng tới mục tiêu hài hòa giữa kinh tế-xã hội-môi trường, hài hòa giữa lợi ích Trung ương-địa phương-nhà đầu tư.
Muốn có được điều này thì việc tổ chức thực hiện phải đồng bộ và thật bài bản, đạt yêu cầu khoa học-thực tiễn. Dự án này đã có thời gian chuẩn bị khá dài, thậm chí chậm tiến độ để thẩm định và đánh giá lại.
Tuy nhiên, giữa sự tính toán và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách. Nếu nói còn có điều gì băn khoăn thì là chỗ này, phải được kiểm chứng thực tiễn trong quá trình triển khai sắp tới và kịp thời điều chỉnh, bổ sung để đạt được kết quả tốt nhất.
- Về mặt kinh tế, dự án này sẽ đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Đắk Nông như thế nào?
Ông Trần Quốc Huy: Theo tính toán, với quy mô nhà máy alumin công suất 650.000 tấn/năm, nguồn thu hàng năm của dự án khoảng 940 tỷ đồng, trong đó, các khoản thuế tài nguyên, phí môi trường nộp cho địa phương khoảng trên dưới 159 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách địa phương không quan trọng bằng việc từ dự án này sẽ tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ, cơ sở hạ tầng, kích thích đô thị hóa và giải quyết vấn đề lao động, nâng cao mức sống của người dân.
Bởi vì hiện nay tiềm năng số một để phát triển kinh tế của Đắk Nông là bauxite, thứ hai là thủy điện và thứ ba là nông nghiệp kỹ thuật cao. Trong đó, thủy điện đang được khai thác và công suất tối đa cũng chỉ khoảng 1.700MW.
Riêng nông nghiệp kỹ thuật cao thì chúng tôi đang hướng đến, do dưới chân là quặng bauxite nên dù nông nghiệp hiện nay là nguồn thu chủ lực của tỉnh nhưng thực tế là vẫn kém hiệu quả và vì thế khai thác bauxite sau khi hoàn thổ cũng tạo điều kiện để cải tạo đất đai, phục vụ phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao.
- Thưa ông, có phải vì phát triển kinh tế nên buộc phải khai thác bauxite, mặc dù có ý kiến quan ngại về ảnh hưởng môi trường và ít hiệu quả kinh tế?
Ông Trần Quốc Huy: Trước hết, trữ lượng bauxite của Việt Nam được đánh giá là hàng thứ ba thế giới. Đây không chỉ là thế mạnh riêng của tỉnh Đắk Nông mà là của cả nước, việc khai thác bauxite là vấn đề của cả nước.
Riêng tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đã khẳng định quan điểm là không vì vấn đề bảo vệ môi trường mà không làm gì cả, nhưng cũng không vì mục tiêu phát triển mà xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Đây mới chỉ là dự án thí điểm để kiểm nghiệm thực tế về các vấn đề môi trường, xã hội và hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, chúng ta mới thẩm định, tính toán được cụ thể đối với dự án nhà máy alumin Nhân Cơ quy mô 650.000 tấn/năm, còn để nói ở quy mô rộng hơn thì chắc chắn phải đầu tư tính toán, đặt ra nhiều điều kiện, yêu cầu mới nữa.
Về mặt kinh tế, nếu chỉ dừng lại ở việc chế biến quặng bauxite để xuất khẩu thì đúng là hiệu quả còn hạn chế. Muốn hiệu quả cao hơn thì phải sản xuất ra nhôm, đó là việc của tương lai, hiện chúng ta phải làm từng bước, đồng thời cũng phải nghĩ và tính toán ngay cho các bước phát triển sau đó.
- Thưa ông, nếu dự án thí điểm này không giải quyết được vấn đề môi trường, vấn đề xã hội hoặc không hiệu quả về kinh tế thì liệu có thể dừng việc khai thác?
Ông Trần Quốc Huy: Theo tôi, nếu xét về quy mô, tính chất thì việc khai thác, xây dựng nhà máy sản xuất alumin có công suất nhỏ của dự án là bước khởi đầu, đặt nền móng cho tương lai phát triển của ngành Alumin-nhôm Việt Nam.
Ở đây mới chỉ là dự án có tính chất thí điểm và đã được cân nhắc thận trọng, chặt chẽ, từ đây sẽ kiểm nghiệm xem thực tế triển khai có đạt được những yêu cầu, những tính toán mà chúng ta mong muốn hay không.
Sau dự án này mới đúc kết thực tiễn để xem xét có nên mở rộng quy mô để phát triển thành một ngành công nghiệp Alumin-nhôm hay không và cần thêm những yêu cầu, điều kiện gì.
Nhiều việc đang còn ở phía trước, chúng ta vừa triển khai giai đoạn này, đồng thời ngay từ bây giờ chủ động đặt tầm nhìn xa hơn để có bước đi thích hợp là cần thiết; quá trình tới không thể thiếu ý chí, quyết tâm cao và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ này.
- Trân trọng cám ơn ông!./.