Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét”

Ngày 31/7, Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt danh mục Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét” sử dụng ODA vay ưu đãi.
Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét” ảnh 1Mưa bão. (Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1280 /QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia” sử dụng ODA vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan.

Theo Quyết định, danh mục Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia” sử dụng ODA vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan được phê duyệt với các nội dung chủ yếu; trong đó cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường; chủ dự án là Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia phục vụ công tác hiện đại hóa, tự động hóa ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam, góp phần hoàn thiện đồng bộ các nội dung của Đề án “Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010-2020.”

Dự án nhằm đáp ứng tốt hơn năng lực quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, góp phần tích cực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ cuộc sống và tài sản của xã hội, cộng đồng trước các rủi ro thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Các kết quả chủ yếu của Dự án gồm: bổ sung mới và nâng cấp các trạm radar thời tiết hiện có tạo ra mạng lưới trạm quan trắc radar thời tiết hiện đại có khả năng phủ sóng bao trùm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Tích hợp mạng lưới radar thời tiết hiện có và các trạm radar được xây dựng mới thành hệ thống tổng thể và thống nhất; thiết lập mạng lưới phát hiện giông sét; thiết lập hệ thống thông tin khí tượng trực quan qua hệ thống SMARTMET; đào tạo tăng cường năng lực cho ngành khí tượng thủy văn.

Thời gian thực hiện dự án là 30 tháng (từ năm 2014 đến năm 2016). Mức vốn đầu tư của dự án là 26.296.400 euro, trong đó: vốn ODA vay ưu đãi là 20.228.000 euro (tương đương 561,125 tỷ đồng); vốn đối ứng là 6.068.400 euro (tương đương 168, 338 tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh văn kiện, phê duyệt văn kiện và tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục