Dự án kỳ lạ thử nghiệm ý tưởng cách mạng hóa ngành giải trí bằng AI

Nhạc sỹ, nghệ sỹ thử nghiệm Holly Herndon đã tạo ra một phiên bản kỹ thuật số của chính mình có tên là Holly+, nhằm thay đổi cách chúng ta tư duy về bản quyền và sáng tạo nghệ thuật.
Nhạc sỹ, nghệ sỹ thử nghiệm Holly Herndon sử dụng giọng hát do AI tạo ra trong các tác phẩm của mình. (Nguồn: Insider)

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên ưu việt hơn, nỗi sợ của chúng ta về một tương lai bị AI thống trị càng tăng thêm. Mỗi bước tiến nhỏ của AI đều gây lo ngại rằng máy móc rồi sẽ lấy đi công việc của con người, hoặc các tác phẩm nhái chất lượng cao (deepfake) do AI tạo ra sẽ làm sai lệch cảm giác thực tế của chúng ta.

Trong thế giới nghệ thuật, có một sự nghi ngờ lớn dành cho AI. Hồi tháng 9 năm ngoái, một tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra được trao giải nhất trong một cuộc thi tổ chức tại Hội chợ bang Colorado, Mỹ, đã dẫn đến sự phản đối kịch liệt từ các nghệ sỹ cũng như các nhà phê bình.

Nhiều thử nghiệm khác, nhằm thay thế những người vẽ tranh minh họa và các nhà văn, cũng gây ra phản ứng khó chịu tương tự.

Bất chấp thái độ e ngại và khó chịu diễn ra phổ biến này, Holly Herndon, một nhạc sỹ và nghệ sỹ thử nghiệm, lại có cái nhìn trái chiều.

Cô không cho rằng AI là một sản phẩm xấu xa hoặc sẽ hủy hoại nghệ thuật. Theo cô, công nghệ AI sẽ còn tồn tại lâu dài và chúng ta có thể tìm cách sống chung với nó.

“Tôi nghĩ cách tốt nhất để tiến lên là các nghệ sỹ cần ủng hộ sự phát triển của hoạt động máy học, " cô chia sẻ với trang tin Business Insider, đồng thời gợi ý rằng họ "nên tư duy về cách thức để mời những người khác tham gia thử nghiệm (sống chung cùng AI) với mình."

Năm 2021, Herndon đã khởi động một dự án có tên Holly+. Đây là một công cụ cho phép các nghệ sỹ làm ra sản phẩm âm nhạc, thông qua việc sử dụng một giọng nói do AI tạo ra, nhái theo giọng của nghệ sỹ.

Các tác phẩm được tạo bằng Holly + về cơ bản là những bản deepfake dựa trên giọng hát của Herndon.

Việc Herndon dùng AI để sáng tạo đã mở ra một con đường phía trước, không chỉ dành riêng các nghệ sỹ mà còn cho nhiều đối tượng khác.

Thay vì từ chối sử dụng công nghệ mới, tất cả mọi người, từ công nhân, doanh nhân cho đến những người sáng tạo nghiệp dư đều có thể học cách sử dụng những công cụ này, để giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn, hoặc mở ra những con đường sáng tạo mới.

Bằng cách đón nhận AI, những người còn hoài nghi có thể giúp đảm bảo rằng công nghệ mới đang phát triển sẽ được sử dụng cho mục đích tốt đẹp, thay vì để nó bị định hình bởi những bên có ác ý.

Việc tích cực đón nhận AI như vậy không đảm bảo mang tới một kết quả hoàn toàn tích cực. Nhưng qua các dự án như Holly+, Herndon đã nêu bật nhiều ưu điểm của công nghệ AI, đồng thời chứng minh rằng nó không thay thế cho sự sáng tạo của con người.

Từ một “em bé” AI đến các sản phẩm deepfake và tiền điện tử

Tại Berlin, Herndon đã biến AI trở thành chủ đề lặp đi lặp lại trong công việc của cô trong thập kỷ qua. Herndon liên tục thử nghiệm khả năng cộng tác giữa con người và máy tính trong các bản ghi âm và buổi biểu diễn trực tiếp của cô.

Ví dụ album "Platform" ra mắt năm 2015 là sản phẩm kết hợp giữa giọng nói con người với âm thanh máy móc và được xử lý kỹ thuật số.

Năm 2019, Herndon tung ra album "Proto" và tiếp tục đưa phương pháp này tiến thêm một bước xa hơn bằng cách tạo ra Spawn, một sản phẩm "em bé" AI có khả năng hợp nhất giọng của cô và giọng của người yêu cô là Mat Dryhurst, thành một giọng nữ tổng hợp, sẽ mang tới các dải âm mới.

Dự án Holly+ tổng hợp những hiểu biết sâu sắc mà Herndon đã thu thập được trong hơn một thập kỷ gắn bó với AI. Đây là một tiến trình nghiên cứu kéo dài, đã giúp Herndon có bằng tiến sỹ nghệ thuật âm nhạc tại Trung tâm Nghiên cứu Máy tính về âm nhạc và âm học của Đại học Stanford.

Yếu tố cốt lõi của Holly+ rất đơn giản: Bất kỳ ai cũng có thể tải tệp âm thanh bất kỳ lên và công cụ này sẽ tạo một phiên bản giọng mới, kết hợp với giọng nói đã được xử lý của Herndon. Phiên bản này cho phép người dùng lập tức tải xuống.

Trong bài đăng trên blog cá nhân viết về Holly+, Herndon cho biết cô đã hình dung ra một tương lai nơi những giọng nói và hát được tạo ra bằng kỹ thuật số "sớm trở thành thông lệ tiêu chuẩn cho các nghệ sỹ và các nhà sáng tạo khác."

Nhiều thể loại âm nhạc đã được tạo ra bằng cách sử dụng Holly+, từ các bản nhạc điện tử rắc rối cho tới các bản phối ngẫu hứng và cả các ca khúc pop thông thường hơn.

Nhiều bản nhạc đã đẩy giọng nói của con người đến giới hạn, khi cắt giọng của Herndon thành những đoạn gần như không thể nhận ra, hoặc tái sử dụng thành những mảnh ghép âm thanh.

Herndon cũng đã sử dụng Holly+ trong các buổi biểu diễn trực tiếp. Cô đã xuất hiện tại Lễ hội âm nhạc Helsinki với dàn hợp xướng địa phương.

Trong khi Holly+ đã tạo ra một hình thức nghệ thuật thú vị, dự án này cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của nghệ thuật.

Nếu AI có thể sao chép một giọng nói độc đáo như của Herndon, hoặc khai thác được kho lưu trữ nội dung khổng lồ đang có, do con người tạo ra, thì cuối cùng nó có thay thế vai trò của con người trong việc đưa nghệ thuật tiến lên không? Và ai sẽ nắm quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật mà một AI tạo ra?

Ai sở hữu cái gì?

Việc AI có tiềm năng gây ảnh hưởng tới thế giới nghệ thuật không phải là không có tiền lệ. Việc chúng ta dễ dàng sao chép, chỉnh sửa và chia sẻ các tệp kỹ thuật cũng dẫn tới nội dung luôn có thể bị thay đổi, mà không có bất kỳ sự thừa nhận nào rằng nội dung đó đã bị thay đổi. Để so sánh, truyền thông phi số (analog) khó sửa hơn và làm như vậy thường để lại dấu vết.

Ngày nay, chúng ta có thể thấy các phiên bản chính thức của nhiều bài hát thường được phối lại (remix) rất nhiều. Tương tự, các bộ phim và tập phim truyền hình có nội dung bị chỉnh sửa, "chế" lại không lâu sau khi phát hành bản gốc.

Các đoạn văn bản và hình ảnh cũng được chỉnh sửa và lan truyền dưới dạng nội dung meme. Việc lấy mẫu - sử dụng lại một phần của bài hát khác - đã trở thành một yếu tố chính của nhạc pop trong vài thập kỷ qua.

Herndon nói rằng AI cũng chỉ làm điều tương tự như các hoạt động ở trên mà thôi. Giống như việc lấy mẫu, AI mang đến cơ hội tuyệt vời để người ta sáng tạo nghệ thuật và đổi mới.

Thứ duy nhất cần tính toán là làm sao để giảm thiểu tác động kinh tế do những công cụ mới, mạnh mẽ này tạo ra.

[Chuyên gia cảnh báo rủi ro của AI đối với sức khỏe con người]

Dự án Holly+ đã nêu bật một số cú sốc có thể xảy ra, đặc biệt là về khả năng kiểm soát tài sản trí tuệ của các nghệ sỹ, cũng là cơ sở pháp lý cho luật bản quyền.

Có thể thấy rằng các công cụ sáng tạo dựa trên AI mang tới nhiều vấn đề phức tạp. Ví dụ, một hình ảnh do AI tạo ra theo phong cách của một nghệ sỹ cụ thể sẽ được xem như tác phẩm đạo nhái, hay nên coi nó như một "tác phẩm gốc của máy móc"?

Theo Herndon, khi các mô hình AI sáng tạo được cải tiến và gắn chặt hơn vào thế giới kỹ thuật số, các nghệ sỹ sẽ cần hiểu bản chất của cái gọi là "địa chỉ IP nghệ thuật" mà họ tạo ra và đưa ra những chiến lược phù hợp để duy trì quyền kiểm soát IP đó.

Đây là lúc tiền điện tử sẽ thể hiện vai trò của nó. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) hỗ trợ tiền điện tử cũng cho phép người dùng theo dõi chính xác quyền sở hữu các tệp kỹ thuật số, như bài hát và hình ảnh.

Nhạc sỹ, nghệ sỹ thử nghiệm Holly Herndon đã tạo ra bản sao kỹ thuật số của chính mình với tên gọi Holly+. (Nguồn: Insider)

Đồng thời công nghệ blockchain cho phép thiết lập một bản ghi không thể xóa, cho thấy rõ nguồn gốc của từng tác phẩm. Điều này cho phép nghệ sỹ bán tác phẩm kỹ thuật số và đảm bảo rằng họ sẽ luôn được xác nhận bản quyền (ngay cả khi tác phẩm bị sao chép tự do).

Đồng thời công nghệ blockchain giúp người mua tác phẩm cảm thấy tin tưởng, vì họ luôn có thể chứng minh rằng mình đang nắm bản gốc - cũng là yếu tố khiến họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn.

AI không phải công nghệ xa lạ

Khi công nghệ tiếp tục phát triển, các nghệ sỹ và người sáng tạo nội dung phải tiếp tục thích nghi.

Công việc của Herndon, đặc biệt là dự án Holly+, cho thấy cách thức để những người sáng tạo nội dung có thể tiếp cận những phát triển mới như AI với tinh thần cởi mở, đồng thời duy trì nhận thức thực tế về những hạn chế của công nghệ.

"Hầu hết các hệ thống AI mà chúng ta đã biết hiện nay đều là những cách thức mang tính đột phá, để tổng hợp các sản phẩm của trí tuệ con người," cô chia sẻ với Business Insider. Nói cách khác, AI có thể là một công cụ hữu dụng cho các nghệ sỹ, thay vì là mối đe dọa đối với sinh kế của họ.

Làm việc với AI có thể mang lại trải nghiệm rất thú vị. "Tôi rất yêu thích các tác phẩm được gửi lên đây," Herndon nói về những tác phẩm được tạo ra qua Holly+. "Các nghệ sỹ đã biến đổi giọng nói của tôi theo nhiều hướng. Có những tác phẩm dựa trên tiếng còi tàu, hay những bản song ca dịu dàng, hoặc những bản remix rất ấn tượng."

Herndon đang áp dụng các kinh nghiệm thu được từ Holly+ cho tổ chức mới của cô là Spawning. Tổ chức này sẽ trang bị kiến thức cho các nghệ sỹ để họ thu lấy lợi ích của AI, thông qua việc sử dụng chúng cho công việc, đồng thời bảo vệ sản phẩm của họ khỏi các mối đe dọa mà AI gây ra.

“Tôi biết nhiều chuyện có thể không diễn ra theo kế hoạch," Herndon chia sẻ với Business Insider. "Nhưng tôi vẫn muốn dồn tâm sức cho việc tạo ra các lộ trình để đưa mọi thứ theo chiều hướng tốt đẹp hơn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục