Dự án khu công viên hồ Ba Mẫu: Sáu năm dân vẫn không có đất ở

Sau 6 năm, những hộ dân nằm trong dự án công viên hồ Ba Mẫu vẫn phải đi gõ cửa từng cơ quan chức năng để đòi lại phần đất mà họ được pháp luật và Nhà nước công nhận, nhưng bị chiếm dụng trái phép.
Dự án khu công viên hồ Ba Mẫu: Sáu năm dân vẫn không có đất ở ảnh 1Diện tích đất bị một số đối tượng chiếm dụng xây nhà ở tạm trái phép. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Dự án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên hồ Ba Mẫu” phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) được khởi công xây dựng vào năm 2011.

Đến nay, sau 6 năm, những hộ dân nằm trong dự án này vẫn phải đi gõ cửa từng cơ quan chức năng để đòi lại phần đất mà họ được pháp luật và Nhà nước công nhận, nhưng bị một số đối tượng chiếm dụng trái phép.

“Tôi năm nay 84 tuổi rồi, gần đất xa trời. Từ khi bàn giao đất cho Nhà nước từ năm 2012, cuộc sống gia đình tôi đảo lộn, kinh tế khó khăn, không có đất xây nhà, 4 thế hệ phải sống nhờ ở nhà sinh hoạt cộng động của phường Trung Phụng," cụ Nguyễn Thị Uy, phường Trung Phụng, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ.

Theo cụ Nguyễn Thị Uy, từ năm 1990, dự án cải tạo hồ Ba Mẫu được lập ra. Đến năm 2010, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh dự án, đổi tên thành dự án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên hồ Ba Mẫu.” Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội.

[Hà Nội: Không còn mùi khó chịu trong nước ở một số hồ]

Năm 2011, dự án được khởi công, quá trình thu hồi đất phục vụ dự án, gia đình cụ Uy và 13 hộ dân khác thuộc phường Phương Liên và Trung Phụng đã bàn giao đất của gia đình cho dự án và được Nhà nước đồng ý cho tái định cư bằng đất, bốc thăm vị trí, giao đất tại khu đất tái định cư thuộc phường Phương Liên.

Được bốc thăm nhận vị trí, nhận quyết định giao đất tái định cư, đến nay 8 hộ dân đã có nhà cửa khang trang. Thế nhưng, vẫn còn 6 hộ phải đi ở nhờ vì khu đất mình được Nhà nước bàn giao đang bị một số đối tượng chiếm dụng.

Ông Nguyễn Văn Long, phường Phương Liên, quận Đống Đa, bức xúc nói: “Mặc dù đã được bốc thăm, nhận quyết định bàn giao đất, thế nhưng gần 6 năm nay, chúng tôi vẫn không được nhận đất, chúng tôi phải đi ở nhờ, cuộc sống rất vất vả. Chúng tôi đã tự nguyện bàn giao đất để làm đẹp cho Thủ đô, nhưng ngược lại, một số đối tượng lại ngang nhiêm nhảy dù, chiếm dụng trên chính mảnh đất mà chúng tôi được pháp luật, Nhà nước công nhận, khiến cho chúng tôi không có đất, có nhà để ở. Chúng tôi đã kiến nghị đến các cấp, ngành, nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ."

Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết do còn vướng mắc khoảng 300m2 tại khu đất số 3, chưa thực hiện được việc giải phóng mặt bằng 2 hộ có nguồn gốc mua bán sử dụng đất lấn chiếm.

Năm 2018, quận đã triển khai các bước giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật, theo đó quận đã ra thông báo thu hồi đất, tiến hành công tác điều tra, kiểm đếm và tổ chức cưỡng chế điều tra kiểm đếm. Đến nay, quận đã xây dựng xong dự thảo phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư với 2 hộ này.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp cho biết thêm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội chưa được tiếp tục bố trí vốn nên từ năm 2016 đến nay, chưa có kinh phí để chi trả tiền tạm cư cho 6 hộ dân theo quy định.

Trong quý 1/2019, quận sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trên cơ sở được thành phố Hà Nội bố trí cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án này.

Tháng 12/2017, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân phường Phương Liên tiến hành đo đạc, thu thập số liệu về đất và tài sản trên đất của 2 hộ dân nhảy dù, lấn chiếm, thế nhưng 2 hộ này đều chống đối, không hợp tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục