Dự án kém khả thi, SHB ngừng “rót tiền” cho đường Hòa Lạc-Hòa Bình

Ngân hàng SHB đã tạm ngừng giải ngân vốn cho nhà đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình bởi doanh thu thu phí thấp so với phương án tài chính khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Dự án kém khả thi, SHB ngừng “rót tiền” cho đường Hòa Lạc-Hòa Bình ảnh 1Phương tiện mua vé lưu thông qua trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với lý do doanh thu thực tế của trạm thu phí Quốc lộ 6 thấp hơn nhiều so với phương án tài chính, ngân hàng SHB đã tạm ngừng giải ngân vốn cho nhà đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình được khởi công vào tháng 5/2014, hoàn thành vào 31/8/2016 (28 tháng), sau đó được lùi thời gian khai thác toàn tuyến vào cuối năm nay. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.180 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình, đối với đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình (km13+050-km32+367), phần nền đường và các công trình trên tuyến đã hoàn thành 17,5km/19,3km (đạt 91%). Phần mặt đường và kết cấu áo đường cấp phối đá dăm loại 2 đã thi công hoàn thiện được 14,5km/19,3km (đạt 75%); hoàn thành xong cơ bản 9/10 cầu.

Riêng đoạn tuyến qua Đèo Bụt (do địa chất phức tạp phải xử lý sạt trượt và mở rộng đường theo quy mô đường cao tốc); đoạn tuyến giao cắt với đường ống nước sạch Sông Đà (do khó khăn trong việc xin thỏa thuận đấu nối) và khoảng 350m cuối tuvến trên địa phận thành phố Hòa Bình (do chưa được bàn giao mặt bằng) nên tiến độ thi công chậm hơn so với tiến độ chung của toàn tuyến.

Đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội (km6+680-Km13+050), theo kế hoạch đến ngàv 30/8 vừa qua, Hà Nội sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng đoạn tuyến thuộc dự án cho nhà đầu tư để triển khai thi công. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp dự án mới được bàn giao khoảng 1,2km. Các đoạn đã được bàn giao mặt bằng hiện đều được các nhà thầu đang tích cực triển khai thi công.

Theo lãnh đạo Công ty BOT Quốc lộ 6, tính đến ngày 31/08, tổng số tiền đã giải ngân, thanh toán cho các nhà thầu và lãi vay phải trả ngân hàng SHB là 1.276 tỷ đồng và từ ngày 01/9 đến nay, ngân hàng SHB chi nhánh Ba Đình (đơn vị tài trợ vốn) đã tạm ngừng giải ngân vốn cho dự án với lý do doanh thu thực tế của trạm thu phí Quốc lộ 6 của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình thấp hơn nhiều so với phương án tài chính nên ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp dự án phải giải quyết được các vấn đề về giá vé; có phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian xây dựng với Bộ Giao thông Vận tải đồng thời phải cam kết gia hạn thời gian thu phí của dự án...

“Mặc dù đã nhiều lần trao đổi bàn bạc nhưng đến nay ngân hàng SHB vẫn chưa giải ngân các khoản vay làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án,” lãnh đạo Công ty BOT Quốc lộ 6 cho hay.

Theo hợp đồng BOT đã ký, số tiền thu được từ việc thu phí ở trạm thu phí Quốc lộ 6 (tổng số tiền thu được từ ngày 01/8/2015 đến hết ngày 31/7/2016 là 124 tỷ đồng) sẽ sử dụng để đầu tư tuyến đường Hòa Lạc-Hòa Bình. Thế nhưng, thực tế doanh thu thu phí tính đến hết ngày 31/8/2016 chỉ là 66,9 tỷ đồng/124 tỷ đồng đạt 54% của phương án tài chính.

Việc giảm doanh thu được phía nhà đầu tư giải thích là do thời gian thu phí thực tế chậm hơn thời gian quy định trong hợp đồng gần 2 tháng, do chưa được điều chỉnh giá vé theo quy định tại Thông tư số 122/2015/TT-BTC sẽ điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2016, trong đó mức thu thấp nhất là 35.000 đồng/lượt, cao nhất là 200.000 đồng/lượt.

Mặt khác, nhà đầu tư đã có những chính sách miễn phí đối với các phương tiện có giấy đăng ký chính chủ có hộ khấu thường trú sinh sống xung quanh khu vực trạm phí nhưng các chủ xe trong diện này không chịu làm hồ sơ miễn giảm theo quy định, nhiều đối tượng không nằm trong phạm vi được tạm miễn giảm... đã cố tình không chịu mua vé, vượt trạm, đâm gãy barie phá hỏng tài sản, thường xuyên chửi bới, gây gổ thậm chí hành hung cán bộ công nhân viên của trạm thu phí đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu thu phí.

Theo số liệu báo cáo giám sát trên hệ thống phần mềm quản lý thu phí, tính từ ngày 01/01/2016 đến 27/7/2016 có tổng số 311.196 lượt xe vượt trạm không nộp phí.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc xác định rõ các phương tiện nào được hoặc không được tạm miễn phí khi qua trạm, tránh tình trạng các chủ phương tiện khác lợi dụng gây rối gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, gây thất thu đảm bảo minh bạch rõ ràng trong quá trình thu phí nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện dứt điếm.

Để giải quyết các khó khăn vướng mắc, đại diện nhà đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm đưa ra phương án giá vé đối với trạm thu phí Quốc lộ 6 và lộ trình thực hiện phù hợp với quy định của Thông tư 122/2015/TT-BTC ngày 18/8/2016, hợp đồng BOT đã ký; đảm bảo hài hòa lợi của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cũng như phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã ký giữa các bên.

Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình để chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng các chủ phương tiện không chịu hoàn thiện hồ sơ thủ tục, cố tình vượt trạm, có hành vi gây rối làm mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại trạm phí Quốc lộ 6.

Đồng thời, Bộ chủ trì tổ chức buổi làm việc có đại diện các thành phần tỉnh Hòa Bình, đơn vị tài trợ vốn, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các bên có liên quan giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của ngân hàng SHB để tài trợ vốn tiếp tục cung cấp tín dụng giải ngân cho dự án.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có ý kiến với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đẩy nhanh công tác giải quyết các thủ tục bồi thường và hỗ trợ tái định cư tại các xã Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất); có ý kiến với Bộ Quốc phòng để triển khai cơ chế đặc thù đối với phần đất quốc phòng quản lý nằm trên địa phận 2 huyện Thạch Thất, Ba Vì nhằm triển khai đồng bộ các hạng mục, đảm bảo tiên độ thực hiện dự án./.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17+85-Quốc lộ 21), điểm cuối tại km32 +367, tương ứng với km67+510-lý trình Quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Theo thiết kế, tuyến có chiều dài khoảng 31km, đoạn 6,7km đầu đi trùng với đường Hòa Lạc-Làng Văn hóa (hiện là đường cấp 3 đồng bằng) tận dụng hoàn toàn; đoạn tiếp theo xây dựng mới qua các huyện Thạch Thất (Hà Nội) và Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình có chiều dài khoảng 25,6km. Đoạn tuyến này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.180 tỷ đồng, xây dựng một trạm thu phí dự kiến đặt tại km17+100 với thời gian thu phí hoàn vốn là 24 năm 11 tháng 8 ngày (kể từ ngày 1/9/2016 đến 9/12/2040).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục