Dự án Gang thép Thái Nguyên tiếp tục triển khai giai đoạn 2

Sau 2 năm gián đoạn, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên đã được tháo gỡ khó khăn về vốn, đây là điều kiện để dự án hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Dây chuyền cán thép tại nhà máy cán thép Thái Nguyên. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Sau hai năm gián đoạn, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã được tháo gỡ khó khăn về vốn, đây là điều kiện để dự án hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

Ngân hàng Vietinbank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ giải quyết cho TISCO tiếp tục vay vốn thực hiện Dự án giai đoạn 2 và cơ cấu lại các khoản nợ theo phương án 2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên là Dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2007.

Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, Dự án bị chậm tiến độ dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, sau đó lại rơi vào trạng thái dừng thi công từ quý 1/2013 do chưa thu xếp được vốn.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên Trần Văn Khâm cho biết, có thể nói đến thời điểm hiện nay, vấn đề vốn cho dự án giai đoạn 2 cũng đã cơ bản được giải quyết.

Gần đây nhất, ngày 27/1, Ngân hàng Phát triển chi nhánh Bắc Kạn-Thái Nguyên đã thống nhất các điều khoản ký hợp đồng tín dụng bổ sung 1.359 tỷ đồng cho TISCO.

Trước đó, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia góp vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng vào TISCO để tháo gỡ khó khăn cho Dự án.

Công ty cũng đàm phán ký hợp đồng tín dụng bổ sung của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) là 1.100 tỷ đồng.

Trước những khó khăn của dự án, Chính phủ đã có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Cụ thể, ngày 20/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 2339/TTg-KTTH đồng ý các nội dung về phân kỳ đầu tư và cơ chế tín dụng cho Dự án, theo đó ngân hàng Vietinbank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải quyết cho TISCO tiếp tục vay vốn thực hiện Dự án giai đoạn 2 và cơ cấu lại các khoản nợ theo phương án 2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam cùng với TISCO khẩn trương triển khai nhiều công việc mà quan trọng nhất là rà roát các điều kiện liên quan đối với hợp đồng tín dụng cấp vốn bổ sung và cơ cấu nợ để tháo gỡ khó khăn cho Dự án.

Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ có công văn đồng ý các nội dung về phân kỳ đầu tư và cơ chế tín dụng cho dự án, ngày 14/12/2014, Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Bắc Kạn-Thái Nguyên đã có văn bản số 529/NHPT.BKTN-TD về việc thông báo cho vay bổ sung vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2-GTTN.

Mức tín dụng vay bổ sung là 1.359 tỷ đồng, bắt đầu trả nợ từ tháng 01/2017, mức trả nợ từ 2017-2018 trả 50% mức bình quân phải trả của Dự án, số còn lại được phân bổ trả đều đến tháng 11/2021 với mức lãi vay là 8,5%/năm. TISCO cam kết sẽ quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, hợp lý và có hiệu quả.

Ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Bắc Kạn-Thái Nguyên cho biết, giai đoạn 1 của dự án, trong điều kiện kinh tế thuận lợi, TISCO sử dụng nguồn vốn vay của VDB hiệu quả, trả vốn vay đúng hạn, không có nợ quá hạn. Hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả, sản phẩm tiêu thụ tốt, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế.

Ông Thắng cũng cho biết, chi nhánh sẽ thực hiện giải ngân vốn dự án 2 rất nhanh và điều này phụ thuộc vào việc điều hành tiến độ dự án của TISCO.

Giám đốc Khâm chia sẻ, việc ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Bắc Cạn-Thái Nguyên giúp cho TISCO bổ sung nguồn vốn để thực hiện thành công Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 và là điều kiện tiên quyết để đàm phán với nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) nhằm sớm tái khởi động lại Dự án, phấn đấu thi công hoàn thành dự án đưa vào sản xuất kịp tiến độ như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quan điểm của MCC là khi có vốn rồi sẽ phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện tốt dự án này và mong muốn đưa nhanh dự án này vào hoạt động để phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Huề, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết, đến nay dự án đã thực hiện được phần cơ bản thiết bị của hệ thống thi công lắp đặt luyện gang, hệ thống lò cao.

Quặng tinh cho dự án giai đoạn 2 đã được khai thác theo đúng công suất. Sau 12 tháng kể từ khi hoạt động trở lại, dự án sẽ tiếp tục sản xuất ra gang, 6 tháng tiếp theo sẽ sản xuất ra đến thép - thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ, còn công nghệ truyền thống trước đó chỉ sản xuất ra đến gang.

Dự án có 7 hạng mục và 163 tiểu hạng mục với hơn 20 nhà thầu tham gia. Trước đây, hợp đồng thi công trọn gói, còn hiện nay tất cả phần xây dựng lắp đặt do nhà thầu Việt Nam đảm nhận, còn nhà thầu Trung Quốc đảm nhận phần chỉ đạo kỹ thuật, cung cấp thiết bị theo hợp đồng ABC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục