Sau hai tiểu bang Montana và South Dakota, tiểu bang Nebraska đã cấp giấy phép cho Tập đoàn TransCanada xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL giữa Canada và Mỹ, dỡ bỏ trở ngại hành chính cuối cùng đối với dự án gây tranh cãi vốn bị trì hoãn nhiều năm này.
Với ba phiếu thuận và hai phiếu chống, Ủy ban Dịch vụ công cộng Nebraska đã chấp thuận việc xây dựng đường ống dẫn dầu dài 1.900km nối liền những mỏ dầu từ tỉnh bang Alberta của Canada tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ, song yêu cầu Tập đoàn TransCanada xây dựng tuyến đường thay thế tốn kém hơn so với kế hoạch được đặt ra ban đầu. Điều này đồng nghĩa đường ống dẫn dầu sẽ kéo dài thêm 8km, cùng với việc bổ sung thêm một trạm bơm và các tuyến vận chuyển liên quan.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ hài lòng với quyết định trên của giới chức bang Nebraska. Trong khi đó, Chủ tịch TransCanada Russ Girling cho biết tập đoàn này sẽ xem xét quyết định của bang trên để đánh giá những tác động của việc xây dựng một tuyến đường thay thế chạy qua bang Nebraska, liên quan vấn đề chi phí và lộ trình thực hiện dự án.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada Jim Carr đã hoan nghênh quyết định trên, nhấn mạnh công trình này sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Canada trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, những người phản đối lại tuyên bố sẽ kiện ra tòa, tiếp tục đẩy công trình này rơi vào vòng xoáy pháp lý kéo dài nhiều năm, khiến TransCanada không thể tiến hành thi công.
Quyết định của tiểu bang Nebraska được đưa ra chỉ vài ngày sau vụ rò rỉ dầu trên đường ống dẫn dầu Keystone tại khu vực bang Nam Dakota, gây thất thoát 5.000 thùng dầu.
[Mỹ quyết định đóng đường ống dẫn dầu Keystone do bị rò rỉ]
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Trump đã "bật đèn xanh" cho phép TransCanada tiếp tục xây dựng đường ống dẫn dầu Keyston XL, dự án từng bị Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama bác bỏ. Đường ống dẫn dầu này sẽ vận chuyển khoảng 830.000 thùng dầu thô/ngày từ tỉnh Alberta của Canada tới Nebraska - nơi Keyston XL gặp đường ống Keystone để từ đó vận chuyển dầu lan tỏa tới các nơi trên đất Mỹ. Keystone XL còn đi qua hai tiểu bang khác của Mỹ là Montana và South Dakota.
Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 có giá trị lên tới 5,3 tỷ USD. Các nhóm hoạt động về môi trường ở cả Mỹ và Canada phản đối vì lo ngại dự án sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi đường ống chạy qua.
Trong khi đó, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa coi Keystone XL là ưu tiên hàng đầu khi đảng này nắm quyền lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, cho rằng đây là dự án giúp tạo thêm việc làm cũng như tăng sự độc lập về năng lượng của Mỹ./.