Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) Phan Quang Hiển cho biết toàn bộ dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước hiện đã đạt được trên 80% giá trị thực hiện.
Theo kế hoạch dự án sẽ phải hoàn thành trong năm 2016, tuy nhiên do đặc thù thời tiết của Tây Nguyên từ tháng Bảy trở đi là mùa mưa nên Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải hoàn thành dự án trước 30/6/2015.
Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (từ tỉnh Kon Tum về đến tỉnh Bình Phước) được chia làm 11 dự án; trong đó có 5 dự án BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao) và 6 dự án trái phiếu Chính phủ, hiện nay tiến độ của các dự án đang được kiểm soát tốt.
"Mặc dù đạt được tiến độ đề ra, nhưng với 20% khối lượng còn lại cộng với quỹ thời gian còn lại không nhiều (3 tháng) vì vậy cần phải hết sức quyết liệt, huy động mọi máy móc, con người thì mới đạt được tiến độ đề ra vào ngày 30/6 tới,” ông Phan Quang Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phan Quang Hiển, lo ngại nhất trên toàn tuyến là dự án BOT của Tập đoàn Đức Long-Gia Lai đoạn qua tỉnh Đắk Nông do tỉnh Đắk Nông làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay, dự án này mới đạt xấp xỉ 70% với khả năng rủi ro về tiến độ như: vẫn còn hơn 30km thảm lớp bêtông nhựa lớp 2 trong điều kiện nguồn nguyên liệu đá khan hiếm, mùa mưa tại Tây Nguyên có thể về sớm, đó là chưa kể nhà thầu thi công của dự án này còn nhiều hạn chế.
Để giải quyết vấn đề trên, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải có công điện khẩn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cùng với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phối hợp giám sát chặt chẽ dự án về chất lượng và tiến độ của dự án này.
Về dự án BOT qua tỉnh Bình Phước do Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai thực hiện đạt khoảng trên 90% khối lượng thực hiện, hiện chỉ còn công tác hoàn thiện như kẻ vạch sơn, làm cống thoát nước....
Dự án qua 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn năm 2013 trở về trước tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền sau mới chuyển giao về Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên có những đoạn thảm từ năm 2012, đầu năm 2013 đã xuất hiện nhiều đoạn bị hỏng, thậm chí bị hằn lún vệt bánh xe vì vậy, dự án này được Bộ Giao thông Vận tải rất quan tâm về chất lượng.
Qua kiểm tra chất lượng thực tế, ông Phan Quang Hiển cho rằng, có hai nguyên nhân hỏng của dự án này là do lớp cấp phối đá dăm bên dưới chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, thứ hai là việc quản lý việc thảm bêtông nhựa có vấn đề.
Hiện nay, những đoạn hư hỏng, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã yêu cầu nhà đầu tư, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phải tiến hành giám định xác định rõ nguyên nhân để sửa chữa tận gốc từ lớp cấp phối đá dăm trở lên.
Về các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện chỉ còn một vài điểm găng của dự án như cầu Sêrêpôk, cầu Kroong Búk chậm tiến độ, còn lại hầu hết các dự án đều đáp ứng yêu cầu về tiến độ của Bộ Giao thông Vận tải.
"Cầu Sêrêpôk chậm tiến độ là do phải thay đổi phương pháp thi công. Tuy nhiên các hạng mục vẫn hoàn thành theo kế hoạch vì các nhà thầu đã xong phần đúc dầm, chỉ còn một trụ cầu đang được thi công và phấn đấu ngày 19/5 tới sẽ lao dầm xong,” ông Huấn khẳng định.
Về dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc điều hành dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh-Cầu 38 cho biết, do dự án được chuyển hình thức từ BOT sang sử dụng trái phiếu Chính phủ vì vậy dự án được khởi động muộn hơn (khởi công tháng 3/2014) so với các dự án khác.
Tuy nhiên, nhờ chia các gói thầu hợp lý, cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu yếu nên tính đến thời điểm này, khối lượng của dự án cũng đạt được trên 70%. Theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, dự án này hoàn toàn có thể về đích trước 30/6./.