Dự án đường dẫn cầu nối Bắc Luân 2: “Khởi” nhưng chưa “công”

Đường dẫn cầu Bắc Luân 2, một dự án quan trọng thúc đẩy giao thương biên mậu của thành phố Móng Cái, dù đã được khởi công tám tháng nhưng đến nay vẫn chưa có một mét đường nào hoàn thành.
Thi công cầu Bắc Luân 2. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Đường dẫn cầu Bắc Luân 2, một dự án quan trọng vào bậc nhất cho sự thúc đẩy giao thương biên mậu của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) nói riêng và Việt Nam nói chung, dù đã được khởi công tám tháng nhưng đến nay vẫn chưa có một mét đường nào hoàn thành.

Cầu Bắc Luân 2 là cầu đường bộ bắc qua sông Bắc Luân nối thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với thành phố Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Dự án cầu Bắc Luân 2 và đường dẫn cầu Bắc Luân 2 sau khi hoàn thiện có ý nghĩa quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách, du lịch, thuận lợi cho giao thương qua lại giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Dự án đường dẫn cầu Bắc Luân 2 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển An Đắc (gọi tắt là Công ty An Đắc, là liên danh của ba nhà đầu tư gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn chế tạo thiết bị Phong Trạch Quảng Đông, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển An Đức Quảng Tây và Công ty trách nhiệm hữu hạn PTY Úc SANSHE) thực hiện.

Dự án có chiều dài toàn tuyến 3,5km; quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, bốn làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 930 tỷ đồng.

Dự án đường dẫn cầu Bắc Luân 2 được khởi công từ giữa tháng 3/2015, dự kiến sẽ hoàn thành sau 12 tháng thi công. Tuy nhiên, đến nay, sau gần tám tháng thi công dự án vẫn "dậm chân tại chỗ," chưa có nổi một mét đường nào hoàn thành.

Do hình thức đầu tư BT nên toàn bộ kinh phí đầu tư dự án đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (tiền đầu tư xây dựng và đền bù giải phóng mặt bằng) do liên doanh ba nhà đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn chế tạo thiết bị Phong Trạch Quảng Đông, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư phát triển An Đức Quảng Tây và Công ty trách nhiệm hữu hạn PTY Úc SANSHE bỏ ra trước. Việc thanh toán cho nhà đầu tư sẽ bằng các dự án khác thông qua nguyên tắc bù trừ giữa giá trị dự án đường dẫn cầu Bắc Luân 2 và giá trị dự án khác do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác định, phê duyệt theo quy định.

Trong Quyết định 3431/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt đầu tư dự án đường dẫn cầu Bắc Luân 2 cũng như Hợp đồng số 08/2015/HĐBT (Hợp đồng xây dựng chuyển giao của dự án này), trong mục thanh toán hợp đồng BT có quy định nhà đầu tư chủ động và tự bỏ vốn để nghiên cứu quy hoạch quỹ đất dự án khác (nằm trong khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc, quỹ đất hai bên đường dẫn), trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định, làm cơ sở để xác định giá trị dự án khác và giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện.

Nguyên nhân của sự chậm tiến độ dự án xuất phát từ nỗi lo của nhà đầu tư khi chưa được tỉnh chấp thuận đề xuất vị trí, ranh giới dự án khác (dự án để thu hồi vốn đầu tư) trong khu hợp tác kinh tế qua biên giới như cam kết giữa hai bên.

Ông Ngô Ngọc Mùi, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư phát triển An Đắc cho biết doanh nghiệp bỏ ra cả ngàn tỷ đồng đầu tư thì phải biết thu hồi được vốn kinh doanh của mình như thế nào, chính vì vậy, nhà đầu tư mong mỏi tỉnh Quảng Ninh sớm chấp thuận phương án đề xuất vị trí, ranh giới dự án khác đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Ông Mùi cho biết mặc dù hồ sơ đề xuất vị trí, ranh giới dự án khác đã được trình Sở Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh từ giữa tháng Tám nhưng đến nay, sau ba tháng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa có bất kỳ văn bản trả lời nào về việc này dù liên tục trong tháng 9 và tháng 11 nhà đầu tư đã có các văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét, giải quyết.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, do dự án chưa được triển khai trên thực địa, ngày 8/10, Sở Giao thông Vận tải đã có công văn số 4014 đốc thúc Công ty An Đắc thực hiện các nghĩa vụ như chuyển đủ 400 tỷ đồng để Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; đảm bảo tiến độ thi công theo thỏa thuận của hợp đồng BT; họp đề xuất kiến nghị của nhà đầu tư với tỉnh.

Các đề xuất và tiến độ thực hiện dự án đường dẫn đã được Sở Giao thông Vận tải báo cáo lên Ủy ban Nhân dân tỉnh vào ngày 16/10.

Tỉnh chưa trả lời nhà đầu tư nên nhà đầu tư chưa thể yên tâm triển khai thi công dự án trên thực địa dù đã khởi công dự án và ký kết các gói thầu xây dựng với các đơn vị thi công. Điều này khiến Phó Tổng Giám đốc Công ty An Đắc lo lắng tiến độ thi công đường dẫn cầu Bắc Luân 2 sẽ không kịp với tiến độ thi công cầu Bắc Luân 2. Như vậy, nguy cơ xảy ra việc cầu biên giới nối giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc xây xong mà không có đường lên có thể xảy ra.

Liên quan đến việc tiến độ dự án chậm trễ còn có nguyên nhân do việc “lình xình” lựa chọn đơn vị làm quy hoạch khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khiến công đoạn này bị kéo dài vài ba tháng.

Tại buổi họp báo công bố quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái, cho biết tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục bàn phương thức đầu tư dự án đường dẫn cầu Bắc Luân 2.

Phía thành phố Móng Cái đã tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thành việc kê khai và kiểm đếm phần diện tích mặt bằng nằm trong dự án. Do dự án chậm tiến độ, kéo dài đã lâu, nhiều người dân nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng dù đã sẵn sàng giao đất cho nhà đầu tư, song nhiều hộ vẫn chưa nhận được tiền đền bù do phía nhà đầu tư chưa chi trả hết trả khiến nhiều người đã phải lên tỉnh phản ánh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục