Dự án ''Dòng chảy phương Bắc 2'' tạo ra 30.000 việc làm ở châu Âu

Phòng Thương mại Đức-Nga cho biết việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã tạo ra 30.000 việc làm ở châu Âu. Đa số người dân Đức đánh giá tốt về dự án này,
Dự án ''Dòng chảy phương Bắc 2'' tạo ra 30.000 việc làm ở châu Âu ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/2, Phòng Thương mại Đức-Nga cho biết việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã tạo ra 30.000 việc làm ở châu Âu.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn tuyên bố của cơ quan trên cho biết trong hơn 5 năm qua, dự án cơ sở hạ tầng được cho là lớn nhất khu vực Liên minh châu Âu (EU) này đã tạo ra 30.000 việc làm mới. Theo Phòng Thương mại Đức-Nga, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã nhận được sự ủng hộ của hơn 70% dân số Đức khi đánh giá dự án đường ống này sẽ giúp giảm giá khí đốt và nguồn năng lượng điện.

Báo cáo nêu rõ ngoài các công ty, các hộ gia đình châu Âu và người tiêu dùng cũng sẽ cảm nhận được giá khí đốt và điện giảm sau khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 được triển khai. Phần lớn người dân Đức đều đánh giá cao những lợi thế này.

Theo kết quả một cuộc thăm dò mới nhất về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 do Viện nghiên cứu Forsa thực hiện trong tháng 1 vừa qua, khoảng 73% người dân Đức ủng hộ xây dựng đường ống dẫn khí đốt này trong khi chỉ có khoảng 16% không tán thành.

[Đức tuyên bố không phụ thuộc vào Nga về vấn đề khí đốt]

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine. Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này.

Mới đây nhất, hôm 8/2, các nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận do Pháp và Đức đề xuất, theo đó cho phép Berlin đóng vai trò là bên đàm phán chủ đạo với Nga liên quan hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu.

Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng dự án mang màu sắc chính trị. Ngoài một số nước châu Âu, Mỹ cũng là nước phản đối dự án đưa trực tiếp khí đốt từ Nga tới Đức này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục