Dự án cầu nối Nam Định với Ninh Bình gặp khó về mặt bằng thi công

Nhà thầu vẫn chưa có mặt bằng để triển khai thi công đường dẫn đầu cầu, trong khi hạng mục này phải thi công xử lý nền đất yếu khoảng trên 12 tháng, nguy cơ rất lớn sẽ bị chậm tiến độ công trình.
Dự án cầu nối Nam Định với Ninh Bình gặp khó về mặt bằng thi công ảnh 1Nhà thầu hiện vẫn chưa có mặt bằng để triển khai thi công đường dẫn đầu cầu Bến Mới. (Ảnh: Quang Toàn/TTXVN)

Cầu Bến Mới bắc qua sông Đáy trên Quốc lộ 38B kết nối giữa huyện Ý Yên (Nam Định) và huyện Hoa Lư (Ninh Bình) – công trình cầu lớn nhất trong 6 cầu thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1 sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc đang khó khăn về mặt bằng thi công đường dẫn.

Tại công văn số 1533/BGTVT-CQLXD gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký mới đây cho biết công trình cầu Bến Mới bắt đầu triển khai thi công từ ngày 12/5/2022 và dự kiến hoàn thành tháng 5/2024.

Hiện, việc giải phóng mặt bằng của công trình phía tỉnh Ninh Bình rất chậm.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải cho biết hiện nhà thầu vẫn chưa có mặt bằng để triển khai thi công đường dẫn đầu cầu. Trong khi hạng mục này phải thi công xử lý nền đất yếu mất thời gian xử lý khoảng trên 12 tháng, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn làm chậm tiến độ hoàn thành công trình và của cả dự án.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình hỗ trợ và quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công công trình để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) cho biết, đối với công trình cầu Bến Mới, đơn vị đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt đối với các hạng mục khoan cọc, lên xà mũ của cầu trước tháng 6/2023 để tránh mùa mưa lũ và tàu thuyền di chuyển trên sông Đáy.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Tạ Quốc Đạt, Phó giám đốc Ban điều hành Liên danh Ilsung Construction Co.,Ltd - Tổng công ty Thăng Long thông tin, cầu Bến Mới có tổng chiều dài 3.210m, nằm trên Quốc lộ 38B thuộc gói thầu XL-04 là cây cầu lớn nhất với giá trúng thầu hơn 360 tỷ đồng.

Cầu Bến Mới có thiết kế đường cấp 4 đồng bằng, chiều rộng nền đường là 9m, mặt đường rộng 8m.

Về sản lượng của công trình cầu Bến Mới, ông Tạ Quốc Đạt cho hay, giá trị đã thực hiện khoảng gần 120 tỷ đồng đạt trên 35% giá trị hợp đồng. Các hạng mục chính đang thực hiện như đã khoan xong các cọc khoan nhồi từ trụ P1 đến P14, thi công xong các mố trụ…

Riêng phần đường phía Ninh Bình, hiện nhà thầu chưa thể thi công do chưa có mặt bằng. Do đó liên danh nhà thầu đề nghị chủ đầu tư sớm làm việc với địa phương để bàn giao mặt bằng thi công phía Ninh Bình cho nhà thầu thi công.

Bên cạnh đó, cũng đề nghị địa phương di chuyển đường dây viễn thông, đường nước sạch đi qua dự án để nhà thầu thi công.

Theo các chuyên gia kinh tế, công trình cầu Bến Mới khi hoàn thành được kỳ vọng tạo một trục kết nối hoàn chỉnh giữa các khu di tích Đền Trần, Phủ Dầy của tỉnh Nam Định và quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính của tỉnh Ninh Bình, tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương.

[Hơn 360 tỷ đồng xây dựng cầu nối giữa Nam Định và Ninh Bình]

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1 sẽ đóng hiệp định vay vốn vào tháng 6/2024, vì vậy thời gian thi công còn lại không còn nhiều, đặc biệt những hạng mục phải xử lý nền đất yếu như cầu Bến Mới.

Vì vậy Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhà thầu để giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, đồng thời thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.

Thông tin chung về tiến độ dự án án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1 gồm các cầu Bến Mới (Nam Định), cầu Đoan Hùng (Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (Khánh Hòa), cầu Đa Phúc (Quốc lộ 3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và cầu Nước Oa (Quảng Nam), đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dư án 2 cho hay, mặc dù khó khăn về giải phóng mặt bằng, công trình thi công chủ yếu qua khu dân cư đông đúc, thời tiết bất lợi tại một số địa phương nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giao thông Vận tải, sự phối hợp của các địa phương và sự quyết tâm của nhà thầu, đến nay sản lượng chung của toàn dự án đạt khoảng gần 50% giá trị.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, mục tiêu của Dự án tín dụng ngành cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ sử dụng vốn vay ưu đãi do EDCF tài trợ nhằm xây mới, nâng cấp khoảng 60 cầu yếu, cầu kết nối trên các hệ thống đường quốc lộ trong phạm vi cả nước nhằm bảo đảm tính kết nối đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác mạng lưới đường bộ.

Ngoài 6 cầu yếu đang triển khai thuộc giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.498 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng mới 10 cầu thay thế các cầu yếu tiếp theo thuộc giai đoạn 2 của dự án. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 khoảng 1.100 tỷ đồng cho 10 cầu nằm rải rác trên toàn quốc gồm tỉnh Nam Định 1 cầu, Gia Lai trên Quốc lộ 19 với 5 cầu, Kiên Giang, Hậu Giang và An Giang mỗi địa phương một cầu.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho hay, hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thiết kế cho 10 công trình của giai đoạn 2. Dự kiến sau khi lựa chọn xong nhà thầu thiết kế trong tháng 5, sau đó mất khoảng 9 tháng cho việc hoàn thành thiết kế, qua đó mới tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Chậm nhất cũng phải quý II/2024 mới tổ chức thi công các công trình giai đoạn 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục