Năm 2020, dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành phải thi công cầm chừng, bị đình trệ vì thiếu vốn phục vụ xây dựng cơ bản.
Sau đó, với sự vào cuộc của ngành chức năng, vấn đề này đã được tháo gỡ nhưng thời gian gần đây, dự án tiếp tục gặp khó vì thiếu vốn.
Theo Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư cao tốc Bến Lức-Long Thành), cao tốc Bến Lức-Long Thành có chiều dài gần 58km, đi qua địa bàn Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai là dài nhất với hơn 27km.
Để xây dựng cao tốc, Nhà nước phải thu hồi hàng trăm hecta đất của hàng nghìn hộ dân. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng tại Long An cơ bản đã hoàn thành. Đối với đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh còn vướng mặt bằng của 17 hộ dân. Nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng và phục hồi thu nhập cho người dân tại Long An và Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền này SEPMU vẫn chưa được bố trí.
Đại diện SEPMU cho biết riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai, đến nay, việc giải phóng mặt bằng đạt gần 99%. Để giải quyết khó khăn về vốn, cuối năm 2020, SEPMU đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho tạm ứng gần 12 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành. Đầu năm 2021, SEPMU tiếp tục đề nghị Đồng Nai cho tạm ứng khoảng 10 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án nhưng chưa được chấp thuận.
[Đồng Nai đề nghị VEC hoàn trả gần 12 tỷ đồng cho ngân sách địa phương]
Nguyên nhân thiếu vốn giải phóng mặt bằng là do trước đây, nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng là từ ngân sách Nhà nước được phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải để phân bổ cho các dự án bao gồm cao tốc Bến Lức-Long Thành. Từ cuối năm 2018, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này khiến nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành bị ách tắc, đến nay vẫn chưa được “khơi thông.”
Về tiến độ dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, hiện các gói thầu trên địa bàn Long An và Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Tuy nhiên, do hiệp định vay vốn hết thời hạn, nguồn vốn phục vụ xây dựng cơ bản chưa được bố trí nên việc thi công các gói thầu ở Long An và Thành phố Hồ Chí Minh đang bị đình trệ. Với 2 gói thầu A5 và A7 đoạn qua tỉnh Đồng Nai, các đơn vị thi công đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng công việc.
Theo Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, riêng nguồn vốn phục vụ cao tốc Bến Lức-Long Thành đoạn qua tỉnh Đồng Nai đang rất dồi dào, SEPMU đã kiến nghị ngành chức năng cho phép điều chỉnh vốn từ các gói thầu ở Đồng Nai qua các gói thầu ở Long An và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa được chấp thuận.
Cao tốc Bến Lức-Long Thành khởi công năm 2014, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Cao tốc này có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, hiệp định vay vốn hết thời hạn nên dự án chậm tiến độ./.