Dự án cao tốc Bắc-Nam: Đấu thầu cạnh tranh để chọn nhà đầu tư

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) bày tỏ sự lo lắng về việc xác định giá trị các gói thầu để tổ chức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc-Nam.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh đoàn Quảng Trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhấn mạnh việc đầu tư cao tốc Bắc-Nam khi làm trước đoạn tuyến dài 654km và ‘ngốn’ gần 120.000 tỷ đồng là cấp bách, bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) bày tỏ sự lo lắng về việc xác định giá trị các gói thầu để tổ chức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà đầu tư.

- Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Bắc-Nam khoảng 14.155 tỷ đồng. Theo ông, có nên giao toàn bộ phần giải phóng mặt bằng lại cho địa phương thực hiện giống như các dự án giao thông trước đây?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Trong thời gian vừa qua, tất cả các dự án giao thông phần việc giải phóng mặt bằng đều được giao cho địa phương, chủ đầu tư bởi địa phương bám sát với người dân địa bàn cùng với các tổ chức xã hội thì giải phóng mặt bằng tốt nhất là giao địa phương nhưng trách nhiệm chung là của Chính phủ.

- Vậy, quản lý đầu tư công trình có nên phân cấp cho địa phương thực hiện, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Theo tôi không nên phân cấp địa phương mà để Trung ương triển khai cho đồng bộ, thống nhất vì ngoài việc tỏ chức đầu tư còn tổ chức quản lý đặc biệt Chính phủ chỉ đạo thu phí tự động chứ không bằng thủ công như hiện nay. Do đó, các công nghệ phải đồng bộ bởi hiện nay các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường có rất nhiều nhà đầu tư thu phí không dừng triển khai dẫn đến việc thu phí rất khó.

- Các dự án giao thông trước đây đa phần là chỉ định thầu, nhưng dự án mới này sẽ tổ chức đầu thầu, ông có lo sợ việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ toàn bộ dự án?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tại Tờ trình Chính phủ đề xuất tổ chức đấu thầu cạnh tranh, công khai để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đấu thầu này phải xác định được giá trị gói thầu để tổ chức đấu thầu.

Giá dịch vụ sử dụng đường bộ dự báo trong vòng đời dự án BOT tính bình quân 24 năm, giá này phải tính được để nhà đầu tư hoàn vốn và có lãi mới đầu tư vào. Xác định như thế nào để giá này ổn định trong 24 năm là điều khó khăn vì chịu rất nhiều tác động kinh tế-xã hội.

[Cao tốc Bắc-Nam: Làm trước 654km, ‘ngốn’ gần 120.000 tỷ đồng]

Hiện nay, Chính phủ đưa ra khung giá (8 khung giá) và cứ 3 năm điều chỉnh 1 lần theo phương án tài chính và tính chỉ số trượt giá 4%/năm (gần bằng chỉ số CPI hiện nay là 1 cơ sở). Trong trường hợp giả sử CPI không tăng thì sẽ giải quyết như thế nào cho quyền lợi nhà đầu tư.

Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên tính giá hiện hành thời điểm đấu thầu, hàng năm cho phép điều chỉnh theo chỉ số giá, nhưng không phải CPI tổng thể của nền kinh tế mà chỉ số giá này có liên quan trực tiếp đến xây dựng, vận hành tuyến đường đó.

Đơn cử như giá xi măng gạch ngói, vật liệu nhân công, trang thiết bị... có thể tính được và khi giá thị trường vật liệu trên tăng hoặc giảm thì sẽ điều chỉnh. Nếu đưa ra khung thì thấy khó khăn.

- Cao tốc Bắc-Nam sẽ được làm từng đoạn tuyến với quy mô 4-6 làn xe. Vậy, tại sao dự án không triển khai theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt với quy mô đầu tư 6-8 làn xe?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Theo quy hoạch hiện nay, cao tốc có 4 làn mặt đường rộng 24,7m và 6 làn xe bề rộng 32,75m. Chính phủ đưa ra ở dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ làm mặt đường 17m với 4 làn xe và 25m với 6 làn.

Khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội có nêu vấn đề, theo kết luận của Bộ Chính trị, phải làm hoàn chỉnh đồng bộ theo đúng quy mô dự án nhưng tại sao lại làm mặt đường nhỏ hơn so với thiết kế.

[Bộ Tài chính: Khó khả thi huy động nguồn lực cho cao tốc Bắc-Nam]

Theo báo cáo Chính phủ, dự án sẽ làm trước đoạn tuyến có chiều dàu 645km trong giai đoạn 2017-2020 và được bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 55.000 tỷ cho đường cao tốc Bắc-Nam kết hợp huy động vốn ngoài thị trường. Trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn như hiện nay, nếu làm ngay theo quy hoạch thì rất khó về vốn.

Do đó, vấn đề đặt ra quy hoạch 4 làn xe hoàn chỉnh 25m, nhưng làm nhỏ đi 17m liệu có đảm bảo an toàn và phương án đưa ra là cứ 5km sẽ có 1 đoạn đường rộng ra để làm tránh nạn và có phương tiện cứu hộ vẫn đạt được mục tiêu nhưng vẫn không thể hoàn chỉnh được bởi theo thiết kế chuẩn quy hoạch thì tốc độ là 100km/giờ nhưng với 17m thì chỉ đạt cỡ 90km/giờ. Nếu làm vậy thì rõ ràng là chắp vá.

Một luồng ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, 4 làn xe sẽ đáp ứng được năng lực khai thác từ 2020-2040, sau đó sẽ làm hoàn thiện theo đúng quy mô hoàn chỉnh.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục