Dự án BOT Quốc lộ 38: Mặt bằng "xôi đỗ", khó thông xe trước 31/12

Mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc theo kiểu “xôi đỗ” khiến nhà thầu không thể thi công, ảnh hưởng đến tiến độ về đích vào ngày 31/12 của dự án Quốc lộ 38.
Dự án BOT Quốc lộ 38: Mặt bằng "xôi đỗ", khó thông xe trước 31/12 ảnh 1Nhà thầu chưa thể trải thảm xong lớp bêtông nhựa trên cùng và các hạng mục an toàn giao thông chưa hoàn thiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) được ấn định thời gian hoàn thành vào ngày 31/12 tới đây.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc theo kiểu “xôi đỗ” khiến nhà thầu không thể thi công, ảnh hưởng đến tiến độ về đích của dự án.

Nhà thầu “đói” mặt bằng thi công

Ông Đinh Công Minh, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 2, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án cho biết, đến nay, dự án chỉ còn vướng khoảng hơn 500m chưa thể bàn giao mặt bằng do người dân chưa chịu đồng ý với chi phí đền bù hoặc nhà dân bị rung nứt do quá trình thi công nên tìm cách cản trở không cho triển khai máy móc lu, thảm mặt đường.

Theo ông Minh, phần giải phóng mặt bằng của tỉnh Bắc Ninh đã bàn giao và thi công được hầu hết các hạng mục. Chỉ còn một số đoạn tuyến như ở phố Chẹm (dài gần 800m), phố Vàng (dài 100m) của huyện Thuận Thành chưa thể thảm xong bêtông nhựa lớp trên cùng và các hạng mục an toàn giao thông chưa hoàn thiện.

Trái ngược, các gói thầu đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương đang bị ‘ngâm’ tiến độ do địa phương không quyết liệt vào cuộc khi tiến độ giải phóng mặt bằng liên tục được gia hạn. Đơn cử, như đoạn qua địa phận huyện Cẩm Giàng phần mặt đường tuyến chính nhà thầu đã thi công xong thảm bêtông nhựa từ tháng Chín vừa qua nhưng còn 190m chưa có mặt bằng để thi công rãnh thoát nước, đoạn mở rộng nút giao Quốc lộ 5.

Huyện Bình Giàng đã 2 lần tiếp xúc trực tiếp với các hộ còn vướng mắc nhưng mới có 14 hộ nhận tiền bồi thường hỗ trợ, còn 29 hộ chưa nhận tiền còn có thắc mắc trong đó có 5 hộ chưa được giao đất tái định cư nên chưa nhận tiền để bàn giao mặt bằng, 24 hộ thắc mắc về đề nghị đất vườn phải bồi thường bằng đất ở và đề nghị đơn giá bồi thường đất ở 18 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, đối với đất thổ cư, đất ở huyện Bình Giang đang gặp khó khăn trong công tác phê duyệt đơn giá bồi thường tại các xã Ngọc Liên có 36 hộ (dài 452m), xã Cẩm Hưng còn 1 hộ dài 32m có kiến nghị giá bồi thường 13 triệu đồng/m2 trong khi Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ phê duyệt thấp hơn nhiều là 9 triệu đồng/m2.

“Đặc biệt, có hộ dân nhà ông Lê Minh Ân ở thôn Nghĩa Trạch, xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng địa phương vận động gia đình bàn giao mặt bằng thì bố và 3 người con đồng ý nhận tiền và bàn giao nhưng còn người con út lại không đồng ý với đơn giá đền bù nên dẫn đến chưa thể bàn giao và chậm thi công,” ông Minh dẫn chứng.

Để gỡ vướng cho dự án này, gần hai năm qua, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, đưa ra chỉ đạo quyết liệt, thậm chí phát đi cả Công điện đôn đốc chính quyền địa phương Hải Dương vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, kết quả nhận được chỉ là những lời hứa. Nhiều mốc tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng được chính quyền đưa ra rồi lại trôi theo thời gian.

“Tiến độ đầu tiên tỉnh Hải Dương đề ra là 30/6, kế tiếp là 30/8, 30/9, rồi 20/10/2015,… gần nhất là 15/11/2016, nhưng đến thời điểm này, diện tích đất cần mặt bằng sạch qua Hải Dương vẫn án binh bất động,” ông Minh nói.

Ông Phạm Duy Chuẩn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT 38-nhà đầu tư dự án cho biết, nhà đầu tư đã chuẩn bị đủ kinh phí đền bù, chỉ chờ địa phương phê duyệt xong phương án, đơn vị sẽ chuyển tiền ngay. Nhưng hơn một năm nay, công tác giải phóng mặt bằng qua địa phận tỉnh Hải Dương vẫn quá khó khăn. Thậm chí, nhà đầu tư đang phải chịu nhiều thiệt thòi do tiến độ thi công dự án chậm kéo theo lãi suất ngân hàng, chi phí trượt giá và hợp đồng bảo lãnh của nhà tài trợ tín dụng.

Đoạn tuyến vướng thi công, địa phương tự đầu tư làm

Theo báo cáo Công ty cổ phần BOT 38, dự án Quốc lộ 38 có 10 gói thầu xây lắp trong đó có 7 gói thi công đường (từ 11-17) và 3 gói thầu khác gồm điện chiếu sáng, an toàn giao thông và trạm thu phí.

“Hiện nay, nhà đầu tư cùng đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thiện các hạng mục cuối theo tiến độ của dự án. Chắc chắn dự án sẽ bị vỡ tiến độ, không thể hoàn thành vào ngày 31/12 tới đây nếu chính quyền địa phương chậm đền bù giải phóng mặt bằng, không giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công,” ông Chuẩn nhấn mạnh.

Dự án BOT Quốc lộ 38: Mặt bằng "xôi đỗ", khó thông xe trước 31/12 ảnh 2Mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc theo kiểu “xôi đỗ” khiến nhà thầu không thể thi công. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trực tiếp thị sát và kiểm tra tình hình thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 38, theo ghi nhận của phóng viên, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thiện phần mặt đường chính tuyến, hệ thống chiếu sáng và an toàn giao thông. Nhà đầu tư cũng đang tiến hành lắp đặt cổng trạm thu phí tại cầu Hồ (huyện Thuận Thành)… Đoạn tuyến qua huyện Cẩm Giàng, Bình Giang một số nhà dân nằm ‘chình ình’ trên tuyến nên hàng loạt máy móc, thiết bị nằm “đắp chiếu” để “ngóng” mặt bằng.

“Nhà thầu luôn sẵn sàng triển khai thiết bị, vật tư khi mặt bằng bàn giao được đến đâu thì sẽ thi công đến đó nhằm thúc tiến độ công trình. Những đoạn có mặt bằng, liên danh nhà thầu đều cam kết hoàn thành theo đúng tiến độ. Vì thế, khối lượng dự án thay đổi từng ngày. Tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu sẽ xem xét thay thế các đơn vị thi công không đáp ứng được yêu cầu công việc,” ông Chuẩn khẳng định.

Để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ, trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương, Hội đồng giải phóng mặt bằng có các biện pháp quyết liệt và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trước ngày 15/11/2016. Trường hợp đến ngày này, địa phương chưa bàn giao xong, Bộ Giao thông Vận tải tiến hành các thủ tục bàn giao lại các vị trí chưa được nhận mặt bằng cho tỉnh để thực hiện bằng nguồn kinh phí của địa phương và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án 2 đã bố trí cán bộ trực 24/24 giờ trên hiện trường để đôn đốc, giải quyết mọi vướng mắc cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Đối với các đoạn còn vướng mặt bằng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục cùng các địa phương tháo gỡ dứt điểm đồng thời các nhà thầu dốc toàn lực, thi công tăng cường đảm bảo tiến độ thông xe của dự án. Các đơn vị phải “vạch” tiến độ từng ngày để hoàn thiện các hạng mục./.

Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 (đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5) qua tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương khởi công tháng 7/2014 với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành vào 30/4/2016.

Quốc lộ 38 có hướng tuyến đi qua Tiên Du-cầu Hồ (bắc qua sông Đuống)-Thuận Thành-Cẩm Giàng-Bình Giang-Ân Thi-Kim Động-thành phố Hưng Yên-cầu Yên Lệnh (bắc qua sông Hồng)-Duy Tiên-Kim Bảng.

Chủ đẩu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 gồm liên danh Công ty cổ phần xây dựng số 2 (Vinaconex), Công ty Cổ phần đầu tư khai thác Cảng và Công ty Cổ phần Licogi 16.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục