Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Chuyện về cô gái nhỏ Lê Thị Hương

Chắp nối từng mẩu chuyện nhỏ về Lê Thị Hương ở Sơn La, cô gái nhỏ tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, có thể thấy trong em một tình yêu mãnh liệt với mảnh đất, con người Nặm Ét.
Hội nghị đánh giá thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã khu vực Đông Bắc Bộ. (Nguồn: TTXVN)

Ươm trên những vùng đất cằn, gần 600 trí thức trẻ - những hạt giống đã nảy mầm, sinh sôi từ Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã thuộc 64 huyện nghèo (Dự án 600 Phó Chủ tịch xã) đã mang lại sắc thái mới cho miền sơn cước. Các em thực sự là những hạt giống đỏ trên vùng đất khó.

Bài 2: Nỗ lực của cô gái nhỏ

Ít ai ngờ ẩn chứa trong thân hình nhỏ bé của Lê Thị Hương là một nghị lực phi thường. Sức mạnh nào đã thôi thúc Hương? Câu trả lời chỉ có một, là niềm đam mê với công việc.

Chắp nối từng mẩu chuyện nhỏ về Hương, để rồi tôi thấy nó lớn dần lên trong em một tình yêu mãnh liệt với mảnh đất, con người Nặm Ét, với sự say mê công việc đến lạ kỳ, đến quên cả hạnh phúc cá nhân.

Câu chuyện được ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã nhắc đến khi kể lại lời của Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) về học trò của mình khiến người nghe bùi ngùi: "Chỉ còn một bạn nữ của Dự án mải đam mê công việc chưa lấy chồng, đó là Lê Thị Hương ở Sơn La. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện chỉ nhắc mỗi câu công việc làm rất tốt rồi, huyện đánh giá rất cao nhưng đề nghị đồng chí phải lấy chồng, mải mê công việc quá, rồi quá tuổi."

Xây ước mơ...

Năm ấy, theo lời khuyên của bố, Hương tham gia dự tuyển Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Thời gian đầu, Hương không khỏi tâm tư. Là con gái út trong một gia đình có 3 anh, chị em, lại là người vùng đồng bằng (nhà Hương ở huyện Vụ Bản, Nam Định) và đã có việc làm ở một công ty, vào dự án đi vùng sâu, vùng xa, tiếng nói dân tộc không biết, tập quán không quen, biết xoay sở thế nào?

"Bố em làm hồ sơ dự án kêu em đi. Hồi đó em làm công ty nên không biết về dự án. Em đấu tranh tư tưởng mất 1 tháng. Ai cũng nói không đi, chỉ mỗi bố em kêu đi. Bố em động viên em rất nhiều nên em cũng có động lực để đi tiếp," Hương trải lòng.

Lý tưởng sống của người chiến sỹ thời chiến cộng với hoài niệm về những tháng ngày công tác tại Sơn La mà tuổi già không cho phép ông trở lại mảnh đất này nên ông quyết tâm cho con gái út lên đây, để viết tiếp câu chuyện thời trai trẻ của mình, để được nối mạch thời gian cho những đổi thay của đất và người Sơn La.

“Thế là vì bố mà theo dự án lên đấy," nghe tôi hỏi, Hương cười “nói thật chị, em không quen ai. Lúc lên chỉ lo bị bắt vợ hay bắt cóc bán sang Trung Quốc. Em còn nói với thầy (Giám đốc Ban quản lý Dự án Vũ Đăng Minh) là thân gái, em sợ điều tế nhị đó lắm."

Thế rồi, với phần bảo vệ xuất sắc, Lê Thị Hương trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nặm Ét. Đây là một trong ba xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, đồng thời là xã đầu tiên thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Nặm Ét có diện tích tự nhiên 7.111 ha với 20 bản và 1.078 hộ, 5.006 nhân khẩu, 3 dân tộc sinh sống chủ yếu là Thái, Mông, La Ha, gần 80% dân số không nói được tiếng phổ thông.

[Chuyện của Khoa: Phó Chủ tịch trẻ và cuộc chiến với "bệnh lạ"]

Mảnh đất này thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, giao thương đi lại khó khăn, kết nối xã với huyện, tỉnh chủ yếu bằng đường sông. Kinh tế của xã phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp với trình độ sản xuất thấp, manh mún nhỏ lẻ, chính vì vậy, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2012 lên đến 60,5%.

Kỷ niệm "kinh hãi" nhất trong 5 năm làm đội viên Dự án giờ vẫn hằn sâu trong tâm trí Hương. Đó là một đêm lũ về. Mùa Hè năm 2013, mình em ở khu tập thể trường học, cả trường đang nghỉ Hè, xung quanh không có ai, cách đó 400m mới có nhà dân. Lũ cuốn đổ hết tường bao, xe máy của em cũng bị cuốn theo lũ. Sấm chớp ầm ầm. Sợ quá, thần hồn nát thần tính, Hương chỉ biết hét và gào khóc một mình.

“Ở xã đúng là vất vả, vì mình trực tiếp với nhân dân. Nhưng mình cũng nhận được nhiều tình cảm. Họ hay mời đến nhà ăn cơm lắm ạ," Hương chân thành.

"Nhìn những dốc dựng đứng, những cơn gió Lào rát mặt và cả những con gió lốc trong đêm mưa như thách thức nó - một đứa con gái vùng đồng bằng lần đầu tiên lên mảnh đất vùng cao đầy khó khăn này. Ai cũng kêu nó dũng cảm. Nhưng nó không nghĩ vậy mà chính sự trải nghiệm trên vùng đất khó khăn này cộng thêm với tình cảm bà con dành cho nó đã giúp nó có dũng khí, tình yêu thương. Sự đồng cảm với những khó khăn của bà con nơi đây đã tạo tinh thần nhiệt huyết giúp nó bước tiếp con đường đã chọn mà nó đang bước đi."

Những dòng tâm sự sau 8 tháng gắn bó với mảnh đất Nặm Ét của Hương được đăng trên trang web của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã cho người đọc hình dung phần nào nỗ lực của cô gái trẻ này.

Câu nói của ông chủ Càphê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ "khi chúng ta cùng nhau, không gì là không thể" khơi dậy nguồn cảm hứng cho khách hàng yêu và đam mê càphê mà Hương được biết khi còn là sinh viên đã tạo động lực cho Hương thực hiện những ước mơ của mình.

Tám tháng bước chân vào Dự án, Hương nhận thấy mình đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn và bớt đi cái nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ trước bất kỳ một vấn đề gì. Vẫn biết rằng còn rất nhiều thử thách đang đợi phía trước, em luôn mỉm cười tự nhủ "phải cố gắng!"

... nhưng chưa thể dựng hạnh phúc

Trong quá trình công tác tại xã, Hương luôn suy nghĩ trăn trở tìm những giải pháp giúp nhân dân thực hiện cải tiến phát triển sản xuất như chuyển đổi các giống vật nuôi cây trồng có giá trị kinh tế cao (nghề nuôi cá lồng, cây ăn quả trên đất dốc…), đưa giống mới vào sản xuất, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất. “Bốn bám”: bám sát chủ trương chính sách, bám sát cơ sở, bám sát các tư tưởng chỉ đạo, bám việc là bài học kinh nghiệm của Hương sau 4 năm làm Phó Chủ tịch xã.

Hương thường xuyên đi các bản tìm hiểu điều kiện tự nhiên, những thuận lợi, khó khăn của xã, tìm hiểu phong tục, tập quán canh tác từng dân tộc, thực hiện “4 cùng” với người dân, chủ động học tiếng địa phương, tìm hiểu các nét văn hóa của từng dân tộc và cùng tham gia lao động sản xuất.

Hương tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người dân 12 bản thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La tận dụng hơn 650 ha diện tích mặt nước lòng hồ và nguồn thức ăn tại chỗ (cá tạp, ngô sắn, thức ăn xanh) chuyển đổi sang nghề nuôi cá lồng với sản phẩm cá sạch.

Năm 2013-2014, Hương đã triển khai 36 mô hình sản xuất (nuôi cá lồng, gà lai mía, dê Bách Thảo, lợn lai…), được nhân dân hưởng ứng và nhân rộng. Năm 2015, các hộ nuôi cá lồng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, có vốn đầu tư phát triển.

Đến nay, người dân đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất với kết cấu lồng hiện đại (sử dụng phi, khung sắt thay thế tre nứa) và các con giống có giá trị kinh tế cao (cá lăng, ba ba), hình thành 2 hình thức tổ chức sản xuất (Hợp tác xã thủy sản Liệp Muội và Hợp tác xã khu Huổi Pao). Tổng số lồng cá trên địa bàn đã là 300 lồng, trong đó số lồng hộ gia đình cá nhân là 120 lồng, số lồng hoạt động Hợp tác xã là 180 lồng.

Nghề nuôi cá lồng đã giúp giải quyết về vấn đề tạo việc làm cho người dân ven vùng tái định cư, cung cấp nguồn thực phẩm cho nhân dân, góp phần tăng thu nhập cho người dân (tăng trung bình 35 triệu đồng/hộ). Áp dụng phương pháp sản xuất mới, đời sống nhân dân Nặm Ét từng bước được cải thiện, bắt đầu xuất hiện một số hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 24,2%, giảm so 36,3% so với năm 2012.

Với những nỗ lực của bản thân, từ tháng 10/2015, Lê Thị Hương đã được bố trí làm công chức Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai, phụ trách tham mưu lĩnh vực thủy sản, nhưng hễ có cơ hội, Hương lại nói về “xã em” (Nặm Ét), nơi đã cho Hương những trải nghiệm khi chập chững bước vào đời.

Tháng 3/2017, huyện thành lập Tổ tư vấn thủy sản, Hương được phân công làm Tổ phó, có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn về công tác phòng trừ bệnh cũng như cơ cấu thành bộ máy hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 cho người dân để họ có năng lực quản trị, quản lý tài chính cũng như hiệu quả sản xuất. Lại là những chuỗi ngày vất vả.

"Có hôm 8-9 giờ tối em mới về đến nhà, lại quay vào ôn thi sát hạch công chức, học đến 11 giờ đêm," Hương chia sẻ.

Với mong muốn giúp nhân dân xã Nặm Ét cũng như nhân dân 11 xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai thoát nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Hương đã tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá lồng cho 44 hợp tác xã. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 3.000 lồng cá đang nuôi, chủ yếu là cá lăng, nheo, trắm.

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị cắt ngang khi chốc lát lại có người vào hỏi, kê khai cái này, hướng dẫn cái kia. Nhìn Hương tận tình hướng dẫn thành viên Hợp tác xã thủy sản Bó Ban cách lập bảng theo dõi quá trình nuôi thả cá, "chú phải ghi cỡ cá vào đây thì con mới tính được tỷ lệ thức ăn cho vào cho chú được. Ví dụ cỡ cá bao nhiêu thì mình cho ăn bao nhiêu trọng lượng thân, như cá trắm cỏ ăn cỏ với 60% trọng lượng thân, nhưng cá chỉ ăn cám công nghiệp thì chỉ từ 20-30% trọng lượng thân thôi, vì hấp thu cao," không chỉ người trong cuộc mà chúng tôi cũng thấy ấm lòng.

Không chỉ hướng dẫn tại Tổ mà Hương và các thành viên trong Tổ tư vấn còn đi tới tận hộ dân tư vấn trực tiếp và kiểm tra sổ sách ghi chép, ra các lồng nuôi cá hướng dẫn kỹ thuật, cách đặt và vị trí đặt lồng bè đúng quy chuẩn. Ấy thế mà “làm dâu trăm họ” cũng chẳng dễ dàng. Tất cả các hộ dân nuôi cá lồng của các xã trong huyện đã tham gia vào hợp tác xã, “chỉ riêng xã em (Nặm Ét) là em phải đi vận động," Hương kể.

"Thưa thầy, xã em là em quá khổ luôn. Vận động phải hơn 10 lần và bản thân em hứa với họ cho họ tiền thuế năm đầu. Em cũng cho rồi, hơn 1 triệu," Hương "than" với thầy của mình.

Là người sâu sát với đội viên ngay từ những ngày đầu của dự án, chị Lương Hải Anh, điều phối viên Dự án cho biết Hương rất năng động, nhiệt tình và có trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, luôn học hỏi, tìm tòi tìm ra cách làm tốt nhất cho người dân. Điều này cũng trùng hợp với nhận xét của Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Bó Ban và anh Lò Văn Khặn, một hộ dân ở xã Chiềng Bằng, nuôi hơn 200 lồng vịt trời với khoảng 1.000 con, đang được Hương tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và công tác phòng trừ bệnh.

Say sưa kể về công việc, về đất và người Sơn La, nhưng khi nói đến chuyện lập gia đình, Hương lại trùng xuống. Hương tâm sự mỗi lần về quê, em sợ nhất chuyện này.

"Chắc mẹ em lo lắm. Vất vả vậy mà sao vẫn muốn ở lại, giờ thì chắc không phải do lý tưởng của bố nữa rồi. Giờ có bị thúc bách về quê để lấy chồng không?." Nghe vậy Hương cười, “mẹ em vẫn nói chuyện chồng con thôi ạ. Kêu em lấy luôn trên này. Em nghĩ cuộc sống con người ta trải qua những hỉ, nộ, ái, ố. Em cũng được trải qua cung bậc cảm xúc đó, thiếu hỉ nữa thôi."

Dù nhiều khi say mê công việc đến quên cả hạnh phúc cá nhân, nhưng trong Hương vẫn thăm thẳm một nỗi buồn khi nhớ tới cha mẹ già, tâm tư trước lời nhắc nhở của gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục