1. Triển lãm “Phái không Phố - Phố không Phái” mở cửa khai mạc từ ngày 14/4 đã khép lại hôm qua, ngày 24/4, trong không gian tầng ngầm một khách sạn hạng sang trong lòng con "phố hàng" của Hà Nội - Hàng Trống.
Triển lãm trưng bày 40 bức tranh của 9 họa sỹ đương đại cùng vẽ về đề tài Hà Nội, gồm Phạm Bình Chương, Đào Hải Phong, Hồng Việt Dũng, Hoàng Phượng Vỹ, Phạm Luận, Quách Đông Phương, Nguyễn Đình Dũng và Lê Thiết Cương.
Có mặt tại buổi chiều khai mạc triển lãm và hai lần dẫn bạn qua xem tranh, người viết có cơ hội thưởng lãm “Phái không Phố - Phố không Phái" một cách kỹ lưỡng. Mỗi lần đến, một cảm xúc khác nhau, cứ len lỏi cảm thức quyến luyến bất ngờ về một Hà Nội “Phố không Phái.”
Hà Nội “Phố không Phái” như lạ, như quen. 40 bức tranh của 9 nét vẽ đương đại khiến Hà Nội trở thành một khối đa sắc diện.
Ở đó, có Hà Nội vừa hư vừa thực; vừa chi tiết vừa trừu tượng; vừa huyên náo vừa vô cảm; vừa xa vừa gần; lại vừa yên lắng thanh lịch, vừa thân thiện, tươi mới.
Qua bộ phận tổ chức triển lãm cũng biết thêm “Phái không Phố - Phố không Phái” thu hút đông đảo lượng người đến xem đến ngày cuối cùng. Có ngày lưa thưa, có ngày dập dồn, nhưng đông nhất là khách Tây, rồi đến người lớn tuổi và thiếu niên.
Và như thế, thì đã là “hot” hiếm có về hiệu ứng thưởng thức nghệ thuật ở xứ mình, nhất đó lại là triển lãm.
Theo lời của họa sỹ Lê Thiết Cương, người đồng phát kiến ý tưởng và khởi xướng, tổ chức triển lãm thì “Phái không Phố - Phố không Phái” là sân chơi quy tụ 9 họa sỹ, 9 nét vẽ đương đại cùng “chung tay” họa chân dung Hà Nội.
Ngoài địa điểm tổ chức triển lãm hết sức đặc biệt, cần phải ngả mũ thán phục người đã đặt tên quá đỗi tuyệt vời cho triển lãm này.
“Phái không Phố” tức là lần đầu tiên những bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái được giới thiệu nhưng Phái không vẽ phố, hoặc phố chỉ là phụ. Thay vào đó, chữ ký của ông chính là trung tâm ở cả năm bức tranh.
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, từ những bức tranh hiếm hoi Phái không vẽ phố, đã khởi đến ý tưởng tại sao không quy tụ 9 họa sỹ đương đại cùng vẽ về Hà Nội. “Phố không Phái” là vẽ về Hà Nội nhưng không bị ảnh hưởng bởi phong cách Bùi Xuân Phái.
Tên gọi hàm súc, nhưng gợi hình, gợi màu, gợi tiếng, gợi cả niềm quý trọng. Trên tất cả, “Phái không Phố - Phố không Phái” vừa khơi gợi về dấu gạch nối vô cùng ý nghĩa về chủ thể sáng tạo, lại vừa “xé rào” phạm vi chủ đề.
Trong nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, sáng tạo là không có giới hạn. Như cách nói của họa sỹ Lê Thiết Cương thì, đề tài chỉ là ga khởi hành mà thôi. Đề tài không quyết định giá trị nghệ thuật. Cuối cùng, trên cùng một sân ga mỗi người đến một cái đích nào.
2. Trong 9 phong họa về Hà Nội “Phố không Phái,” người viết chú ý tới ba bức tranh của Phạm Bình Chương.
Phạm Bình Chương vẽ Hà Nội không những không ảnh hưởng bởi nét xưa, hoài cổ của “Phố Phái” mà còn phát triển và tái hiện thành công một Hà Nội đương thời vẫn còn vương vấn hồn cũ.
Có câu danh ngôn thế này “Thành phố cũng giống như con người. Nó phơi bày nhiều bộ mặt cá nhân với lữ khách. Tùy thuộc vào cá tính của từng thành phố và từng lữ khách, mà nảy sinh tình yêu, bất mãn, tình bạn, thậm chí là lòng thù hận…”
Xem tranh Phạm Bình Chương vẽ Hà Nội, tôi tin đó là tình yêu. Một tình yêu đầy trìu mến và quyến luyến.
Như nhận xét của nghệ nhân dân gian Vũ Huy Thiều: “Người xem chợt nhận ra rằng một Hà Nội yên lắng và bình dị vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Chỉ có điều, phải là người Hà Nội, sống đủ lâu, đủ sâu ở Hà Nội, yêu Hà Nội, quyến luyến Hà Nội và sở hữu nhãn quan rất đỗi nhạy cảm và thuần khiết như Bình Chương mới có thể nhìn ra vẻ đẹp thanh lịch đó.”
Cảm tưởng, Bình Chương không chỉ họa vẻ đẹp Hà Nội hợp thời mà còn gọi tên được cả kỷ niệm. Thế nên, xem tranh Phạm Bình Chương vẽ Hà Nội, ngay lập tức thấy yêu luôn được.
Theo phong cách tả thực, tranh Bình Chương thành công trong việc tái hiện sự sống động của những mảng tưởng, vòm cây… Bố cục hiện đại, rất kỹ về chi tiết nhưng lại không phải là ảnh.
Nếu để liên tưởng, tranh Bình Chương giống như tấm phim âm bản, có màu thời gian, có hồn của sự sống, của ký ức và kỷ niệm về Hà Nội tưởng quá vãng nhưng vẫn hiển hiện đâu đây, khiến người xem thấy quyến luyến và xúc động.
Anh họa về con phố nhỏ, có vòm cây xanh tán, màu tường phôi pha. Bên cạnh sự yên lắng nơi ngõ nhỏ, phố nhỏ là những chi tiết bất ngờ về nhịp sống hiện đại. Đó là sự hiển hiện của chiếc biển xe ôtô đời mới, những vết lăn sơn in dịch vụ khoan cắt bê tông, thông bể phốt chồng chéo, nhem nhuốc… đến băng rôn, khẩu hiệu phấp phới, xa mờ.
Những tấm biển nhận gia công, nào “mạng áo,” “sang sợi,”“sửa chữa giày dép” … gợi lại nhịp sống văn hóa, tinh hoa phố nghề của người Hà Nội xưa.
Một điểm khác biệt nữa, Hà Nội trong tranh của Phạm Bình Chương luôn có bóng dáng con người nhưng tất cả đều quay lưng. Hà Nội như người con gái từng rất đẹp, nhưng bây giờ vẻ đẹp đó bị che lấp và lẩn khuất trong sự lai tạp của sự phát triển.
Thủ pháp đó, gợi cảm giác mong manh và tìm kiếm. Vừa hiện hữu, vừa mất mát. Vừa gần, vừa xa. Vừa hư vừa thực.
3. Từ một ý tưởng hay, Lê Thiết Cương cùng những công sự của anh đã khởi xướng và thực hiện một triển lãm đặc sắc “Phái không Phố- Phố không Phái.”
Chưa bao giờ, Hà Nội lại được hiển hiện trong nghệ thuật, cụ thể là hội họa sống động, phong phú và đa sắc diện như thế.
Đành rằng “Phái” đã thành “Phố” và thành vĩnh cửu. Nhưng đó vẫn chỉ là một góc nhìn của chủ thể sáng tạo.
Và như thế thì không đủ cho sự mênh mông của Hà Nội. 40 bức tranh của 9 góc nhìn “Phố không Phái” sẽ làm Hà Nội hiện diện một cách trọn vẹn và phong phú hơn. Đó mới là chính là Hà Nội.
Lại nói về tranh của Lê Thiết Cương, trong triển lãm này anh góp hai bức. Vẫn tinh thần tối giản in đậm bản sắc của Lê Thiết Cương. Mặc dù, anh có nói việc mình “chung tay” với các họa sỹ đương đại lần này chỉ mang tính chất góp vui “nhẹ nhàng.”
Nhưng cá nhân người viết vẫn thấy “kém thích” và có chút hụt hẫng. Nghệ thuật rất lạ, đỉnh cao của mọi vẻ đẹp là sự giản đơn nhưng tinh giản như Lê Thiết vẽ Hà Nội lại đem lại cảm giác nhàn nhạt, mơ hồ.
Thế nhưng, chẳng mấy ai bận tâm về điều đó. Dấu ấn Lê Thiết Cương trong và sau triển lãm này mà người ta kỳ vọng ở anh là ở góc độ một nhà tổ chức, quy tụ và kích hoạt giới sáng tạo không ngừng tìm tòi và bảo tồn giá trị văn hóa.
Giống như ý tưởng triển lãm “Phái không Phố - Phố không Phái” do anh khởi xướng như cách bảo tồn Hà Nội bằng hội họa.
Sứ mệnh đó, không nhiều người có thể gánh vác. Tài năng không có lẽ là chưa đủ. Đó phải là sự hội tụ cả tài năng, thiện ý và tầm nhìn của một nhà văn hóa./.