Dow Jones, S&P 500 lập kỷ lục trên sàn chứng khoán Mỹ

Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Standard & Poor 500 ngày 21/11 đã đồng thời lập kỷ lục trên sàn chứng khoán New York.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn và công ty Mỹ cùng chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày 21/11 đã đồng thời lập kỷ lục trên sàn chứng khoán New York, Mỹ.

Đây là hai trong số nhiều tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới đang từng bước ổn định trong giai đoạn phục hồi sau suy thoái.

Số liệu từ thị trường chứng khoán New York cho thấy chốt phiên giao dịch ngày 21/11, chỉ số chứng khoán Dow Jones danh giá nhất của Mỹ đóng cửa ở mức 16.099 điểm, tăng 109,17 điểm, tương đương 0,7% so với phiên giao dịch một ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên loại cổ phiếu chiếm 25%-30% tổng giá trị thị trường chứng khoán Mỹ này vượt ngưỡng 16.000 điểm.

Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số Dow Jones đã tăng 22% và vượt mốc 1.000 điểm 3 lần trong vòng 10 tháng. Cụ thể, chỉ số này đạt 14.000 điểm trong tháng Hai và 15.000 điểm vào tháng Năm vừa qua.

Theo giới phân tích, đây là hệ quả tích cực từ hoạt động làm ăn có lãi của các tập đoàn, nền kinh tế đang trên đà phục hồi bền vững và chính sách nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các chuyên gia đồng thời dự báo nếu tiếp tục đà phát triển tích cực này, chỉ số Dow Jones nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2003.

Bên cạnh kỷ lục của chỉ số Dow Jones, lần đầu tiên trong hai thập kỷ trở lại đây, cổ phiếu của toàn bộ 10 nhóm công nghiệp trong chỉ số Standard & Poor 500 đồng loạt khép lại ngày giao dịch 21/11 với mức tăng xấp xỉ 10% hoặc hơn. Lần cuối cùng cổ phiếu của cả 10 nhóm tiến đến mức tăng 2 con số là vào năm 1995.

Các chuyên gia cho rằng những diễn biến tích cực trên tại thị trường cổ phiếu là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi, niềm tin vào thị trường dần khôi phục và các nhà đầu tư nhỏ bắt đầu quay trở lại.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu hào hứng và mạo hiểm hơn, tốc độ tăng của cổ phiếu của các công ty nhỏ nhanh hơn hẳn so với phần còn lại của thị trường. Chỉ số Russell 2000 tăng 19,83 điểm, tương đương 1,8%, lên mức 1.119,62 điểm.

Trong khi đó, thị trường Mỹ cũng xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực khác. Báo cáo cùng ngày của Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Chín vừa qua, dần trở lại mức trước thời điểm suy thoái.

Bộ Tài chính Mỹ cũng tuyên bố sẽ bán lại toàn bộ cổ phần đang nắm giữ trong tập General Motors (GM). Tuyên bố trên đã ngay lập tức giúp đẩy giá cổ phiếu của tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất nước Mỹ tăng 1,1%, lên 38,12 USD. Bộ Tài chính mua cổ phiếu của GM 5 năm trước để cứu tập đoàn này khỏi thảm họa vỡ nợ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục