Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã thành công trong việc bơm carbon dioxide (CO2) xuống sâu dưới lòng đất và biến chất khí độc hại này thành đá.
Đột phá này mở ra hướng đi đầy hứa hẹn trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ tích trữ CO2 nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ số ra ngày 9/6, các nhà khoa học đã trộn khí CO2 với nước, và sau đó bơm hỗn hợp chất lỏng này xuống một tầng đá basalt cách mặt đất 400-800.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tiến hành một nghiên cứu như vậy, và nơi được chọn thí điểm là nhà máy điện Hellisheidi tại Iceland - cơ sở sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn nhất thế giới.
Nhà máy này mỗi năm thải 40.000 tấn CO2, chỉ bằng 5% lượng khí thải của một nhà máy than đá có quy mô tương tự, song vẫn là con số đáng lo ngại. Năm 2012, Hellisheidi bắt đầu bơm thử nghiệm 250 tấn CO2 và nước xuống lòng đất.
Các nhà khoa học khi đó lo ngại hỗn hợp chất lỏng này phải mất tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới có thể hóa đá.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, 95-98% số hỗn hợp được bơm xuống đã có thể hóa thành đá tảng có màu phấn trắng.
Với kết quả ngoài mong đợi nói trên, các nhà khoa học đã quyết định mở rộng quy mô dự án, theo đó đặt mục tiêu từ mùa Hè này sẽ "chôn" hơn 10.000 tấn CO2 xuống lòng đất mỗi năm.
Chuyên gia Martin Stute, nhà thủy văn học đến từ Đài quan sát Trái Đất thuộc Đại học Columbia, đồng thời là đồng tác giả công trình nghiên cứu, khẳng định có thể bơm một lượng lớn CO2 và tích trữ chất khí độc hại này ở dạng đá rắn dưới lòng đất một cách an toàn mà chỉ mất một khoảng thời gian rất ngắn.
Điều duy nhất gây trở ngại cho công nghệ tích trữ CO2 kiểu này đó là phương pháp này cần rất nhiều nước, cụ thể mỗi tấn CO2 cần hòa tan với 25 tấn nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết ở một số nơi có thể tận dụng nguồn nước biển.
CO2 được cho là "thủ phạm" chính gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên, làm biến đổi khí hậu, và đây cũng là lý do mà các nhà khoa học lâu nay tìm cách phát triển các giải pháp thu hồi và tích trữ CO2.
Đá basalt nổi lên là một ứng cử viên sáng giá. Đây là loại đá được hình thành do magma phun trào ra ngoài miệng núi lửa rồi nguội đi, có cấu tạo đặc, xốp và rất giàu canxi, sắt và magiê. Đá basalt là thành phần cấu tạo của phần lớn bề mặt đáy biển trên Trái Đất.
Giới nghiên cứu cho rằng loại đá này rất cần thiết cho quá trình hóa đá khí carbon để có thể tích trữ dưới lòng đất./.