Sáng 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến để ghi nhận ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp trách nhiệm, những đề xuất xác đáng của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần tập trung mạnh vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày càng có hiệu quả cao hơn.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành nhằm đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là một trong những khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm đề án giải phóng mặt bằng, trong đó phải giải quyết được những vướng mắc đặt ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở của các địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Nghị quyết 13 đã được các bộ, ngành, địa phương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác quản lý đầu tư công tương đối hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; bên cạnh đó vốn đầu tư từ xã hội cũng đã được huy động mạnh cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh-quốc phòng của đất nước trong thời gian qua.
“Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ và qua thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực. Chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa chủ trương này; phải huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để làm tốt hơn, nhanh hơn nữa việc này,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ trước hết phải khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế liên qua đến thể chế, cơ chế, chính sách; tiếp tục rà soát, cải cách để hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp song vẫn đảo bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đi đôi với phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng cũng đề nghị trong thực hiện nhiệm vụ này, cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn huy động được, nhất là nguồn vốn nhà nước, gắn với đảm bảo chất lượng công trình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương khắc phục cho được những hạn chế trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật quy hoạch, đảm bảo chất lượng quy hoạch.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt coi trọng quản lý đầu tư công; coi việc thực hiện đột phá chiến lược về đầu tư cho kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ trọng tâm và phải tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tính toán nguồn vốn đầu tư công từ ba nguồn là ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA trong 5 năm tới để làm kế hoạch trung hạn. Các Bộ, ngành, địa phương cũng phải rà soát đưa ra được các dự án, lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo hình thực hợp tác công-tư, kêu gọi xã hội hóa.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 đã đạt được những kết quả tích cực. Nghị quyết đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo ra những chuyển biến lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng từ nhận thức đến hành động cụ thể.
Các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển kết cấu hạ tầng nhìn chung được thực hiện đầy đủ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, hoàn thiện cơ bản về số lượng theo Chương trình hành động của Chính phủ đề ra.
Một số công trình giao thông quan trọng được đầu tư, nâng cấp và hoàn thành, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế như đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Liên Khương-Đà Lạt; Đại lộ Thăng Long; Hà Nội-Thái Nguyên; Nội Bài-Lào Cai; Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... Đồng thời, hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khác có quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn đầu tư dứt điểm để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.
Nhiều dự án hạ tầng năng lượng đã được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được quan tâm, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều công trình hạ tầng các đô thị được xây mới, nâng cấp, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng được quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và từng bước hình thành siêu xa lộ thông tin.
Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Hạ tầng y tế đang được khẩn trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự phát huy tác dụng, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên.
Sự thay đổi nhận thức về vai trò của các khu vực thể chế và vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực đã bước đầu phát huy tác dụng, qua đó đã huy động được nguồn lực đáng kể từ doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng./.